Theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu cá nhân là gì?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định: Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; tình trạng hôn nhân…
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bao gồm: Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc; thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân...
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân
Theo Điều 29 của Nghị định, cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cập nhật thông tin, tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp nhận thông tin, hồ sơ, dữ liệu về hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân qua không gian mạng; cung cấp thông tin về kết quả đánh giá công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tiếp nhận thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cảnh báo, phối hợp cảnh báo về nguy cơ, hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện hoạt động khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
Điều 8 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm:
- Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
- Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền.
- Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.
Đáng chú ý, Nghị định đã quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo, theo đó: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm chứng minh việc sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được giới thiệu sản phẩm đúng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân: quy định tại Chương III (Từ điểu, trong đó Bộ Công an có các trách nhiệm sau: (Điều 32 – Điều 42).
- Giúp Chính phủ thống nhất thực hiện Quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Hướng dẫn, triển khai hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền của chủ thể dữ liệu trước các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và các khuyến nghị áp dụng;
- Xây dựng, quản lý, vận hành Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Đánh giá kết quả công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Tiếp nhận hồ sơ, biểu mẫu, thông tin về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định này;
- Thúc đẩy các biện pháp và thực hiện nghiên cứu để đổi mới trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, triển khai hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Tác giả: BBT (Tổng hợp)
- Các trường hợp Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện để kiểm soát (20.09.2023)
- Hoạt động giảng dạy các môn pháp luật gắn liền với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (19.09.2023)
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (14.09.2023)
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm rửa tiền (12.09.2023)
- 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 – 16/10/2023) (11.09.2023)