Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
PV: Kể từ ngày 1/7 tới đây, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật CCCD. Để đáp ứng theo đúng quy định Luật này, Bộ Công an sẽ triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thì Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Căn cước.
Luật Căn cước quy định: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (Khoản 1 Điều 46).
Như vậy, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ CCCD. Tuy nhiên đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
PV: Vậy xin đồng chí cho biết những đối tượng nào sẽ phải làm, đổi thẻ, những đối tượng nào thì chưa phải đổi? Và đợt này, dự tính có khoảng bao nhiêu công dân sẽ được cấp, đổi thẻ căn cước mới?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Những trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng. Trường hợp công dân dưới 14 tuổi, công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng được cấp thẻ căn cước khi công dân đó có nhu cầu. Thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Theo dự tính, sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thì trung bình hàng năm Bộ Công an sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước cho khoảng 10 triệu trường hợp, trong đó bao gồm 3 triệu thẻ cấp mới cho công dân đến độ tuổi và các trường hợp trẻ em có nhu cầu, 4 triệu thẻ cho các trường hợp đổi thẻ và 3 triệu thẻ cho các trường hợp cấp lại.
Tuy nhiên, Bộ Công an dự báo trong năm đầu tiên từ ngày 1/7/2024 đến 1/7/2025, số lượng thẻ căn cước được cấp sẽ cao hơn do đây là thời điểm bắt đầu thực hiện quy định mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, thẻ căn cước theo luật mới cũng có nhiều ưu điểm và hình thức đẹp, hiện đại hơn… Dự tính trong năm đầu tiên, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp khoảng 15 triệu thẻ căn cước bao gồm: 5 triệu thẻ cấp mới cho các trường hợp đủ 14 tuổi và các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu; 3 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân bắt buộc phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng; 7 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Cơ quan Công an làm thủ tục cấp căn cước phục vụ người dân.
PV: Thưa Đại tá, đợt cấp thẻ này sẽ có các mẫu theo từng độ tuổi khác nhau, đồng chí có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này? Cụ thể, với những trường hợp cấp thẻ ở độ tuổi từ 0-6 tuổi, việc làm thẻ cho các cháu ở lứa tuổi này có gì đáng lưu ý và cần sự trợ giúp gì từ phía các bậc phụ huynh?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước bao gồm một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 đến 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).
Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0-6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID). Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi (điểm a Khoản 2 Điều 23).
PV: Một vấn đề mà người dân đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi nhiều trên các diễn đàn là việc cấp, đổi thẻ thì có mất kinh phí không, xin đồng chí thông tin rõ hơn về vấn đề này?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước quy định “Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu”. Như vậy, đối với các trường hợp công dân lần đầu cấp thẻ căn cước thì không phải nộp lệ phí.
PV: Để bảo đảm cho đợt cấp thẻ này được thuận lợi, Bộ Công an đã có những phương án, kế hoạch gì để tránh việc người dân ồ ạt đi làm thẻ?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Về cơ bản, tất cả công dân đủ 14 tuổi trên lãnh thổ Việt Nam đã được cấp thẻ CCCD. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước lần này đối tượng chủ yếu là các trường hợp công dân đến độ tuổi đủ 14 tuổi, các trường hợp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng, thay đổi thông tin; các trường hợp cấp lại thẻ căn cước do bị mất và các trường hợp công dân thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo nhu cầu của công dân.
Bộ Công an có đủ nguồn nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu tối đa của người dân khi có yêu cầu được cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.
Để thực hiện có hiệu quả việc cấp thẻ căn cước, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Bộ Công an sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, có kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị và chính quyền địa phương. Với kinh nghiệm đã triển khai thành công nhiều chiến dịch cấp thẻ CCCD thì Bộ Công an hoàn toàn chủ động và tin tưởng cũng sẽ triển khai thành công việc cấp thẻ căn cước.
PV: Một trong những điểm mới của Luật là khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ phải cung cấp thông tin về mống mắt. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Luật Căn cước quy định khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu nhận thông tin về mống mắt của công dân. Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.
Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh. Do đó, việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
PV: Với việc bắt buộc cung cấp thông tin về mống mắt khi làm thẻ căn cước, nhiều người băn khoăn rằng liệu có xảy ra nguy cơ lộ, lọt dữ liệu? Ngoài ra, song song với đó, Luật Căn cước còn quy định thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước. Đồng chí có thể cho biết thêm lợi ích của ứng dụng này?
Đại tá Vũ Văn Tấn: Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.
Việc thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước do cơ quan có thẩm quyền chuyển cho cơ quan quản lý căn cước hoặc do công dân tự nguyện cung cấp. Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Hiền
- Tập trung thực hiện những công tác trọng điểm, cấp bách để tạo đà đột phá trong năm 2024 (16.02.2024)
- Thông điệp chúc Tết Giáp Thìn 2024 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (10.02.2024)
- Bộ trưởng Tô Lâm: Tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với tấn công, đánh trúng, đánh đúng các loại tội phạm (10.02.2024)
- "Tết của tuổi trẻ Đại học Cảnh sát nhân dân" (09.02.2024)
- Thủ đoạn lừa đảo giả danh Cơ quan Công an hướng dẫn cài đặt VneID giả mạo để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (07.02.2024)
- Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (06.02.2024)
- "Giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh" (03.02.2024)
- Hương vị ngày Tết (01.02.2024)
- Quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh (31.01.2024)