Ngày 01/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Sau đây gọi tắt là Thông tư 32).
Theo thông tư 32, lực lượng CSGT có 3 hình thức tuần tra, kiểm soát gồm thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Kiểm soát công khai; Tuần tra, kiểm soát kết hợp hoá trang. Cụ thể:
Kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 9)
1. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là Hệ thống giám sát) được trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 135/2021/NĐ-CP) và quy định của Bộ Công an về tiêu chuẩn, quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ Hệ thống giám sát.
2. Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Thông tư này.
Tuần tra kiểm soát công khai (Điều 10)
1. Tuần tra, kiểm soát cơ động
Cán bộ Cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
2. Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông
a) Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định;
b) Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ;
c) Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
3. Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
4. Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau:
a) Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này;
b) Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công;
c) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư này.
Tuần tra, kiểm soát kết hợp hoá trang (Điều 11)
1. Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
2. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm:
a) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
3. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
4. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều này quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;
b) Bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn)
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 16 Thông tư cũng quy định cụ thể 04 trường hợp CSGT được dùng phương tiện để kiểm soát gồm:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
- Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Về Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát được quy định theo Điều 20 của Thông tư
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư này để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
a) Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;
b) Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an; ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
c) Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;
d) Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).
Ảnh minh hoạ
Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phải tuân thủ các yêu cầu được quy định tại Điều 3 Thông tư:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.
- Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
- Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023.
Tác giả: Cao Hà (Tổng hợp)
Tin liên quan
- Hiệu quả từ thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc bố trí Công an chính quy công tác tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (09.12.2023)
- 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong Tố tụng, THA (07.12.2023)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới (06.12.2023)
- “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt đại dịch bệnh AIDS vào năm 2030” (06.12.2023)
- Nâng cao mối quan hệ phối hợp trong đảm bảo ANTT giữa Trường Đại học CSND với Công an, chính quyền địa phương nơi trường đóng quân (29.11.2023)
- Trưởng phòng nghiệp vụ của CAND được xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 1/1/2024 (29.11.2023)
- Thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), bổ sung hạ sĩ quan lực lượng vũ trang được thuê nhà ở công vụ (28.11.2023)
- Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với ND (22.11.2023)
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ AN,TT ở cơ sở củng cố sức mạnh, bảo vệ vững chắc AN,TT ở cơ sở (22.11.2023)