Việt Nam không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước một cách nghiêm túc, nhất quán, liên tục, mà còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế
Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ nhận thức rõ nhân quyền/quyền con người là giá trị phổ quát đối với nhân loại, mà còn chú trọng thực thi đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thực tiễn. Càng nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam càng coi trọng và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Vì thế, những luận điệu quy chụp rằng Việt Nam “đàn áp” người “dũng cảm” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; Việt Nam “triệt tiêu nhân quyền” và ở Việt Nam thì “nhân quyền chỉ còn ở trên giấy” chính là sự suy diễn phản động nhằm xuyên tạc, bẻ cong sự thật của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội!
QUYỀN CON NGƯỜI ĐƯỢC HIẾN ĐỊNH VÀ ĐƯỢC ĐẢM BẢO TRONG THỰC TIỄN
Có một sự thật cần phải khẳng định rằng, ở Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ lợi ích của người dân. Vì thế, quyền con người, quyền công dân cũng không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp (thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), mà còn đồng thời được bổ sung, điều chỉnh trong các luật, bộ luật và các văn bản dưới luật. Các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền con người, mà còn là sự khẳng định, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình thực thi quyền con người.
Cùng với đó, chỉ từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, việc Quốc hội Việt Nam thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… đã cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chính sách để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thực tế, việc bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân như đã nêu trên không chỉ phản ánh đúng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn tạo thuận lợi để mọi người dân đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như để các cơ quan nhà nước hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, cũng có một sự thật không thể phủ nhận là ở Việt Nam, các cuộc thảo luận, chất vấn, phản biện, góp ý kiến về chủ trương, chính sách, pháp luật; góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội của Đảng, cho Dự thảo Hiến pháp năm 2013… đã không chỉ diễn ra tại diễn đàn Quốc hội, mà còn được tổ chức thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tại khu dân cư, v.v.. Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của cán bộ, đảng viên và của các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề liên quan đến “quốc kế dân sinh” cũng như những ý kiến đóng góp tâm huyết “ích nước lợi dân” đều được ghi nhận và đánh giá cao. Điều đó cũng có nghĩa là, quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin… của người dân được hiến định tại Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 luôn được bảo đảm ngày càng tốt hơn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đã, đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chứ không phải là Việt Nam “đang bóp nghẹt nhân quyền”, “bóp nghẹt tự do ngôn luận” như xuyên tạc.
Thực tế, hiện Việt Nam “có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 1/2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số”(1). Tại một đất nước mà internet và mạng xã hội đang đứng thuộc top đầu thế giới, với “150 triệu kết nối mobile; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook; hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã biên giới, hải đảo”(2) và nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, việc đề ra các chế tài để quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng là việc đương nhiên. Thế nên, việc Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình bị bắt tạm giam với cáo buộc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; còn Hoàng Việt Khánh bị bắt tạm giam với cáo buộc tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh… là do đã vi phạm Điều 117, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chứ không phải họ là những người “bất đồng chính kiến” nên bị “chính quyền xử lý”.
Và cũng vì thế, việc Nguyễn Lệ Nam Em bị phạt 37,5 triệu đồng vì liên quan tới các phát ngôn gây tiêu cực trên mạng xã hội; Hàn Ni và Trần Văn Sỹ bị phạt 1,5-2 năm tù giam vì vi phạm luật an ninh mạng, lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) càng chắc chắn không phải là vì Nhà nước làm như vậy để “đe doạ tất cả người dân Việt Nam đang dùng mạng xã hội” hay là dùng cách “răn đe trên cõi mạng xã hội” để nhằm vào những “tiếng nói bất đồng”; là nhằm vào những người “dũng cảm đấu tranh cho dân chủ” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Cho nên, luận điệu cho rằng Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm “triệt hạ tiếng nói bất đồng” hay “bóp nghẹt tự do báo chí” như các thế lực thù địch “cáo buộc” các cơ quan chức năng của Việt Nam là phản động.
Cùng với đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, sẽ không có cái gọi là “các nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù bất công” nếu các hành động của họ không vi phạm pháp luật Việt Nam. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng, đã là hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, thì không thể đánh tráo khái niệm thành “bất đồng chính kiến”, cũng như không thể coi việc các cơ quan chức năng bắt tạm giam những người này là “bất công” được. Cho nên, luận điệu phản động kiểu “nhân quyền ở Việt Nam chỉ còn trên giấy” hay Việt Nam “không có nhân quyền”, “chính quyền không bảo đảm quyền con người” chỉ là sự nhận định thiếu khách quan, sai lệch; chỉ là những quy kết, vu cáo, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhằm kích động nhân dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật và cổ súy cho những hành vi phỉ báng, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội.
VIỆT NAM CAM KẾT VÀ LUÔN THÚC ĐẨY, BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI
Hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 94 năm qua đều không nằm ngoài mục đích xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc; đảm bảo để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và được tự quyết vận mệnh/con đường phát triển của mình...
Trên cơ sở quan niệm quyền con người vừa mang tính phổ quát, thể hiện khát vọng chung của nhân loại đã được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng quốc gia, dân tộc trong hành trình phát triển, từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong từng quyết sách để đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đồng thời, để đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng là vì người dân, để nhân dân được sống trong “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Việt Nam đã, đang và tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với những chính sách nhất quán, thể hiện rõ sự tôn trọng, bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở Việt Nam, “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”(3) và quyền con người, quyền công dân được thực thi thông qua việc thực hiện các quyền quyền ứng cử, bầu cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước; quyền khiếu nại, tố cáo và giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam cũng đã ký và tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người…
Đồng thời, ở Việt Nam các vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng; xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm ngay cả khi có đại dịch COVID-19; và chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ,v.v..
Cũng ở Việt Nam, ngày 20/3/2024, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10; trong đó nêu rõ “chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043. Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ”(4). Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”(5).
(Hình minh họa)
Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người từ nhận thức đến hành động cụ thể không chỉ là một trong những điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà còn là cơ sở, là sự tin tưởng để Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả đó thêm một lần nữa cho thấy, Việt Nam không chỉ nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tôn trọng, mà còn là một trong những minh chứng khẳng định rằng nhân quyền được tôn trọng và đảm bảo ở Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, với vai trò là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể để không chỉ đề cao Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, mà còn tham gia, đóng góp ý kiến về vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người cũng như thúc đẩy, bảo vệ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của con người trong bối cảnh thế giới thời kỳ hậu đại dịch COVID-19...
Sự tham gia tích cực tại Hội đồng nhân quyền, sự đóng góp thiết thực, có ý nghĩa đối với công việc chung của Việt Nam tại Liên hợp quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người” là không thể phủ nhận. Đặc biệt, những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao đúng như Surya Deva (Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển) đã ghi nhận vai trò của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực của Việt Nam trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR)(6).
Cùng với đó, những kết quả mà Việt Nam đạt được như: Nộp Báo cáo thực thi ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam và đăng tải trên website của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc; Nộp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019; Nhiều năm duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cao và chú trọng phát triển xã hội, cải thiện mạnh mẽ quyền về giáo dục, y tế, nhà ở, về bình đẳng giới (tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng cao so với các nước trong khu vực…); Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm ở khắp các vùng, miền; Năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 3% và tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội; Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới,v.v.. chính là những minh chứng không chỉ thể hiện sự cam kết thực hiện của một quốc gia thành viên có trách nhiệm, mà còn phản ánh khách quan, minh bạch sự phát triển và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người. Sự thật này bác bỏ những luận điệu bẻ cong sự thật, đánh lừa dư luận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là “không tôn trong quyền con người”, là “vi phạm nhân quyền”…
Vì thế, để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028(7). Với việc tuyên bố tái ứng cử này, có thể khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước là nghiêm túc, nhất quán, liên tục, mà còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng chính là sự thật, là minh chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bôi đen vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch./.
TS. TRẦN THỊ BÌNH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
_________________
(1) Phạm Công Thưởng: Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự và chính trị, tapchiqptd.vn, ngày 8/1/2024
(2) Tiêu Dao: Việt Nam với những thành tựu không thể phủ nhận về quyền con người, bienphong.com.vn, ngày 11/6/2023.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.173.
(4) Thái An: Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, qdnd.vn, ngày 20/3/2024.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.167.
(6) Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 6 -15/11/2023.
(7) Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 26/2/2024.
Nguồn: tuyengiao.vn
- Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Biên cương Tổ quốc tôi” (08.10.2021)
- Đồng chí Lê Đức Thọ - Tấm gương người cộng sản kiên trung (07.10.2021)
- Chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ bậc thạc sĩ theo các thông tư mới (06.10.2021)
- Thông tư ban hành nội quy cơ sở lưu trú (03.10.2021)
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử (01.10.2021)
- Thực hành dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII (28.09.2021)
- Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên (15.09.2021)
- Những điểm mới và quan trọng nhất của Luật Cảnh sát biển Việt Nam (14.09.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ duyên với nền giáo dục nước nhà (12.08.2021)