Ngày 17/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 08 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5; trong đó, có 02 luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an tham dự và phát biểu tại họp báo.
Cùng dự buổi họp báo có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố các Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 8 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Giá; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã giới thiệu sự cần thiết và những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND gồm 2 điều. Điều 1 sửa đổi một số khoản tại 6/46 điều của Luật CAND năm 2018 gồm Điều 22, 23, 25, 29, 30 và Điều 42 trong đó:
Điều 22 sửa đổi, bổ sung khoản 4 quy định sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu, do Chủ tịch nước quyết định. Điều 23 bổ sung khoản 4 quy định Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hầm cấp Tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt cấp bậc đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Điều 25 sửa đổi, bổ sung điểm b, d, e khoản 1, khoản 2 và khoản 4 theo hướng bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất nhất là Thượng tướng; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hà Nội, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an TP thuộc Công an TP Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long giới thiệu những nội dung cơ bản 2 Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng
Điều 30 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 3 theo hướng tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.
Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, cấp Tướng; của nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá, Đại tá - theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Điều 42 sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân Công an (Nam: 62, nữ: 60) và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Ngoài các nội dung trên, Luật còn sửa đổi kỹ thuật tại một số điểm, khoản của Luật CAND năm 2018 cho phù hợp với nội dung sửa đổi quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trả lời báo chí về nội dung 2 luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 3 điều. Điều 1 sửa đổi 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 gồm các nội dung cơ bản: bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh; quy định hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông và quy định Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử.
Luật bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh. Luật thống nhất cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú. Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Điều 2 của Luật sửa đổi 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 với các nội dung cơ bản: nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất; nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú trong việc thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài, sửa đổi quy định về hình thức khai báo tạm trú; bổ sung quy định người nước ngoài có trách nhiệm xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Nguyễn Hương - Minh Ngọc
Theo bocongan.gov.vn/
- Tọa đàm KH giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách về phòng chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng (10.02.2023)
- 7 cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu (08.02.2023)
- Nhiều điểm mới trong công tác tuyển quân của Bộ Công an năm 2023 (07.02.2023)
- Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm (06.02.2023)
- Đảng ủy CATW, Bộ Công an vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (03.02.2023)
- Tổng kết 2 cuộc thi về đề tài hình tượng người chiến sỹ Cảnh vệ CAND (01.02.2023)
- Người dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an toàn, lành mạnh (27.01.2023)
- Lực lượng CAND: Bảo đảm tuyệt đối AN,TT, phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn (27.01.2023)
- Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trên tất cả các mặt công tác (22.01.2023)