Trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, khi xác định đúng đối tượng đấu tranh, phải chủ động, bản lĩnh xử lý, thu thập đầy đủ chứng cứ, khám phá tội phạm toàn diện, điều tra sâu, xác minh kỹ, kết luận nhanh chóng, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước. Đó chính là cương quyết. Để đạt được mục tiêu đó, phải chớp thời cơ, xác định thời điểm đột phá, khâu đột phá, đối tượng đột phá, để xử lý một người, một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, giúp người dân, cán bộ, đảng viên “biết sợ” “không dám” phạm tội và vi phạm pháp luật. Đó chính là “nghệ thuật khôn khéo”.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, sáng 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ"... Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.
Nhận diện tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng luôn gắn với các “nhóm lợi ích”, đặc biệt là tình trạng “sân sau”, “sở hữu chéo”, thâu tóm, lũng đoạn các lĩnh vực rường cột của đất nước; các đường dây tội phạm có quy mô lớn, “ăn sâu” vào nội bộ để “bảo kê” hoạt động, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, lực lượng phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu nhanh chóng chuyển hướng đấu tranh, đổi mới công tác nghiệp vụ. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, hàng trăm ngàn vụ án đã được xác lập, trong đó hơn 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; hơn 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.… Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an xác định tinh thần đấu tranh là luôn kiên quyết, kiên trì. Việc xác lập đấu tranh, khám phá án có tính chất điển hình, nhằm đánh một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, nhanh chóng tạo tác động trực tiếp, tích cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế xã hội.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Ngân hàng Nhà nước
Vụ án BOT Yên Khánh có ý nghĩa “thiết lập trật tự” trong bối cảnh BOT các tỉnh thành phố đã “nóng”, hoạt động đầu tư dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư được dư luận đặc biệt quan tâm do bộc lộ nhiều sai phạm…
Vụ án đấu tranh với các sai phạm trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai là hồi chuông cảnh báo khi ngành y tế tập trung xã hội hóa mua sắm trang thiết bị y tế nhưng người dân lại phải “chịu trận” do giá dịch vụ y tế liên tục tăng cao.
Vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC và các công ty liên quan, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vạch trần, xử lý thẳng tay đối với những thủ đoạn “bán chui”, “thổi giá” , “tạo thanh khoản giả”, “giả mạo, cố tình đưa thông tin sai lệch” làm chao đảo thị trường chứng khoán, trái phiếu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà đầu tư và nền kinh tế.
Chuyên án Việt Á đang tiếp tục điều tra mở rộng ở hầu hết các địa phương trong nhiều tháng qua đã có những tác động đặc biệt lớn không chỉ riêng ngành Y tế mà còn cảnh tỉnh tới nhiều bộ, ngành, địa phương đều phải chú ý rà soát, đánh giá, xây dựng hoàn thiện chính sách, “bịt kín” các sơ hở mà tội phạm có thể lợi dụng...
Qua các vụ án, chuyên án ghi dấu ấn, lực lượng Công an đã tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo", xử lý các tập đoàn, lĩnh vực yếu kém, hoạt động “trên pháp luật”, “ngoài pháp luật”. Nhiều lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai... được chấn chỉnh kịp thời, dư luận xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau mỗi vụ án kinh tế, tham nhũng, tổn thất lớn nhất chính là mất đi nhiều cán bộ đã từng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao gánh vác trọng trách. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chỉ tính trong 06 tháng đầu năm 2022, 295 đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, trong đó có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Lãnh đạo Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Đảng ủy CATW.
Trong phòng, chống tội phạm, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định phòng ngừa là chính, kết hợp với chủ động, tích cực đấu tranh. Ngành Công an cũng đặt ra mục tiêu: “Kiên quyết làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội”. Đây là quan điểm nhân văn, đề cao vấn đề “an ninh con người” được chú trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, nắm chắc địa bàn, lĩnh vực, nhận diện đúng “địch – ta” luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng. Trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, khi xác định đúng đối tượng đấu tranh, phải chủ động, bản lĩnh xử lý, thu thập đầy đủ chứng cứ, khám phá tội phạm toàn diện, điều tra sâu, xác minh kỹ, kết luận nhanh chóng, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước. Đó chính là cương quyết. Để đạt được mục tiêu đó, phải chớp thời cơ, xác định thời điểm đột phá, khâu đột phá, đối tượng đột phá, để xử lý một người, một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, giúp người dân, cán bộ, đảng viên “biết sợ” “không dám” phạm tội và vi phạm pháp luật. Đó chính là “nghệ thuật khôn khéo”.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa “cương quyết” và “khôn khéo”, vai trò lãnh đạo chỉ huy là đặc biệt quan trọng. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ: “Người chỉ huy phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; kết hợp nhuần nhuyễn, sử dụng tốt mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, giữa sử dụng con người với biện pháp, phương tiện kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp bí mật và công khai trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ pháp luật, tạo chỗ dựa và niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ trong tấn công trấn áp tội phạm…”.
Các đại biểu dự tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 tại điểm cầu Bộ Công an
Đấu tranh xử lý tội phạm, đặc biệt là xử lý tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả, cần gắn liền với hoàn thiện chính sách, pháp luật để vừa ngăn chặn các điều kiện phát sinh tội phạm, vừa có hành lang pháp lý an toàn giúp người tốt tránh lo sợ rủi ro, bảo vệ các cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, cống hiến và dám đấu tranh. Như vậy, trên hết và trước hết phải tôi rèn bằng đượccác lực lượng xây dựng, bảo vệ pháp luật là những “thành trì vững chắc”, tuyệt đối không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công. Chính trong mối quan hệ với kẻ địch, mới thể hiện rõ nhất bản chất, bản lĩnh, đạo đức, trình độ, năng lực của những người đánh địch.
Minh Ngọc
- Giảng dạy Pháp luật góp phần xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ (07.11.2021)
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021 (02.11.2021)
- Văn hóa - điều kiện quan trọng để phát triển bền vững (28.10.2021)
- Những điểm mới của luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu (26.10.2021)
- Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Giá trị lịch sử và hiện thực (25.10.2021)
- Quan điểm, chủ trương mới về phát triển văn hóa con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (23.10.2021)
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay (22.10.2021)
- Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2021: Lợi ích của bảo vệ môi trường (22.10.2021)
- Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 (21.10.2021)