LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CÁ NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Bên cạnh coi chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng độc hại”, là nguy cơ làm suy yếu Đảng, là “giặc nội xâm” - kẻ thù của những người cách mạng... Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh phải phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng của cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, Người đề cao vai trò lợi ích chính đáng của cá nhân, coi đây là nguyên nhân quyết định chủ yếu cho sự tồn tại, phát triển của mỗi con người, dẫn đến quá trình phát triển không ngừng của đất nước. Đồng thời, lợi ích chính đáng của cá nhân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam, Vì vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng là tất yếu khách quan, rất quan trọng, song “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”(1).
Nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm “không khoan nhượng” của Người đối với chủ nghĩa cá nhân trong Đảng: “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Chủ nghĩa cá nhân” (15/10/1948), “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” (15/7/1950), “Tự phê bình và phê bình” (14/6/1955), “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc” (7/9/1957), “Đạo đức cách mạng” (12/1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2/3/1969)… |
Bản chất chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, “...việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(2); là “thứ vi trùng độc hại” sinh ra hàng trăm thói hư, tật sấu, những căn bệnh trong Đảng, nhất là khi Đảng cầm quyền. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh chỉ ra 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, “hữu danh, vô thực”, “kéo bè, kéo cánh”, cận thị, cá nhân, lười biếng, tị nạnh, “xu nịnh, a dua”. Đây là nguyên nhân làm suy thoái, biến chất, giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bởi vì, “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(3).
Vì tính chất nguy hiểm - là lực cản lớn nhất của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(4).
ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Hồ Chí Minh khẳng định “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(5). Theo Người, “việc đánh bại chủ nghĩa cá nhân và trong thắng lợi của chủ nghĩa xã hội”(6) là hai vấn đề, hai nội dung, hai mặt có quan hệ đối kháng, loại bỏ lẫn nhau, mặt này tồn tại, phát triển thì mặt kia không tồn tại, hoặc ngược lại. Chỉ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, mới xây dựng được cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, không thể đi lên chủ nghĩa xã hội khi chủ nghĩa cá nhân vẫn còn tồn tại và phát triển.
Hồ Chí Minh cũng xem chủ nghĩa cá nhân là một thứ giặc: “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, nó làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của Đảng, tới quá trình đi lên của cách mạng. Nếu không giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” thì sự nghiệp cách mạng vô sản ở nước ta không thể giành được thắng lợi, suy đến cùng là cuộc cách mạng “nửa vời”, “không đến nơi”.
Đối mặt với kẻ thù ngoài mặt trận, nơi chiến tuyến, tuy gian khổ, hy sinh, mất mát, song vẫn có thể giành thắng lợi, còn đối mặt với chủ nghĩa cá nhân vô cùng phức tạp trong nhận diện, khó khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là những thói hư, tật xấu tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người đảng viên; trong đồng đội, đồng chí, anh em, cấp trên - cấp dưới… ở nội bộ cơ quan, đơn vị mình. “...Việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”(7), song không vì khó khăn, phức tạp, gian khổ, đau đớn, lâu dài, mà chấp nhận nản chí, buông xuôi, ngược lại càng phải dũng cảm, càng phải “kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”(8), vì “khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(9). Và Người luôn đặt niềm tin thắng lợi vào cuộc đấu tranh ấy: “chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”(10).
Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng Đảng vững mạnh thì phải ngăn chặn, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân một cách hiệu quả. Muốn vậy, mọi đảng viên dù ở bất cứ cấp nào, công việc gì, cũng cần nắm vững và thực hiện đúng những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới. Tiến hành thường xuyên, nghiêm túc “tự phê bình và phê bình”, phải tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau, “phê bình việc, chứ không phê bình người”, không đại khái, qua loa, làm cho lấy vì. “Phải luôn luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới”(11), nếu tiến hành từ dưới lên trên sẽ dễ dẫn đến hình thức, kết quả đạt được không cao..
Tự phê bình và phê không chỉ dừng ở phạm vi cá nhân đảng viên, mỗi tổ chức đảng cụ thể, mà phải coi toàn Đảng là một cơ thể, một tồ chức hoàn chỉnh để tiến hành tự phê bình và phê bình. Người nói: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(12).
Chống chủ nghĩa cá nhân, chống “giặc nội xâm” là cuộc đấu tranh phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, quyết tâm cao, dũng cảm, kiên quyết, kiên trì, không bao che, bao biện, đồng thời giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ đối với mọi đảng viên, trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội, song, phải có những bước đi thích hợp, thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nơi, những lĩnh vực, những vị trí, những cương vị dễ nẩy sinh chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó.
Hồ Chí Minh yêu cầu phát huy lực lượng toàn dân trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này: “Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu”(13). “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”(14).
CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG ĐẢNG ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII
Thực tiễn luôn minh chứng tính đúng đắn sáng tạo, cách mạng và khoa học quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Để Đảng luôn giữ được niềm tin của nhân dân, luôn vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(15); để Đảng không phải là một “tổ chức làm quan phát tài”, thì phải không ngừng “chẩn đoán” và chỉ rõ những biểu hiện của “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân, phải không ngừng “chữa trị” và “đặc trị” để đẩy lùi và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.
Tình hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, nhiệm kỳ Đại hội XII Đảng vừa qua đã tạo ra bước đột phá, đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã “chỉ mặt đặt tên” những biểu hiện của “căn bệnh” này. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “”tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(16). Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó, như: cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền. Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(17).
Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng vẫn giữ nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phải không ngừng kiên quyết, kiên trì, giữ vững ưu thế, đẩy lùi, giành thắng lợi trong cuộc đất tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, “chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(18). Theo đó:
Một là, phải có phương pháp đúng đắn, bước đi thích hợp, thận trọng, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, có cơ chế “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng”; xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, khắc phục triệt để biểu hiện “nhẹ trên nặng dưới”, “đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ”(19); phát huy “vai trò của người đứng đầu”, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị…
Hai là, mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, quy định tại đơn vị công tác, trong gia đình và ngoài xã hội.
Ảnh tư liệu |
Giữ vững và làm đúng các nguyên tắc xây dựng đảng, phát huy dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng phải từ cấp trên xuống cấp dưới, từ Bộ Chính trị đến các tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, nhưng phải cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những đảng viên có chức, có quyền, những lĩnh vực nhậy cảm, liên quan nhiều đến quyền lực, lợi ích kinh tế, lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với người dân.
Từng đảng viên phải kết hợp chặt chẽ xây và chống, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, ngăn chặn, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện nghiêm Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 19/12/2016 về “Một số vấn đề làm ngay để tăng cường nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung tương”.
Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền.
Xây dựng cơ chế phù hợp để quần chúng, nhân dân được tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kịp thời khen thưởng, cổ vũ những cá nhân, cơ quan báo chí đã phát hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tham nhũng, lãng phí.
Công khai, không có vùng cấm và khách quan xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng; tình trạng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nể nang mà “xử lý nội bộ”, “che dấu” cho việc tiêu cực./.
Đại tá, TS. Đồng Anh Dũng
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
____________________________
(1) (4) (5) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr.610, 602, 609, 249, 600.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.90.
(3) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.547, 612.
(6) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.247, 321.
(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.56, 19.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301.
(13) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.362, 362-363.
(16) (19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.173, 237.
(17) (18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.74, 95.
Nguồn tin: //tuyengiao.vn/
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05: Học tập, làm theo Bác và nêu gương (29.05.2021)
- Công an nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (19.05.2021)
- Thực hiện các nguyên tắc cơ bản của bầu cử theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần xây dựng nhà nước pháp (19.05.2021)
- Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH (17.05.2021)
- Ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an TP.HCM với 3 trường CAND trên địa bàn Thành phố (15.05.2021)
- Sôi động Hội thao Công đoàn Đại học CSND (29.04.2021)
- Bế mạc Hội thao chào mừng 45 năm Ngày truyền thống (27.04.2021)
- Trường Đại học CSND giành Giải Nhất toàn đoàn nội dung lực lượng vũ trang Giải Việt dã lần thứ 45 (26.04.2021)
- Nhóm Notime Crew Trường Đại học CSND tham gia Bán kết (25.04.2021)