Đào tạo cán bộ và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ luôn là yêu cầu tất yếu đặt ra trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, đổi mới nội dung chương trình đào tạo là một trong những nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an có bài viết trao đổi về vấn đề này.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Đề án số 106, ngày 21/02/2018 của Bộ Công an về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức sáp nhập các đơn vị nghiệp vụ; đồng thời, không tổ chức cấp Tổng cục. Điều này mang lại những hiệu quả tích cực cho công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an nói chung và công tác đào tạo cán bộ Công an nói riêng. Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhanh chóng và kịp thời.
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an
Tổ chức bộ máy từng bước được đổi mới, tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn theo cấp hành chính; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao, bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phục vụ hiệu quả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh, hội nhập quốc tế, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, đất nước bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã thể hiện tư duy mới về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đồng thời chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ là một trong những nội dung quan trọng nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân hiện nay.
Để Nghị quyết không dừng ở quan điểm, tinh thần chỉ đạo mà phải thực chất, thật sự, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện mọi mặt trên thực tiễn, trong đời sống, công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, trong đó đổi mới nội dung chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ là một trong những nội dung quan trọng nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân hiện nay.
Để làm tốt yêu cầu này, Cục Đào tạo xác định rõ và cụ thể mục tiêu đào tạo của từng ngành, chuyên ngành và từng trình độ. Với mỗi trình độ Trung cấp, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ sẽ có những mục tiêu đào tạo phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành để các chương trình linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Căn cứ vào danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong CAND ban hành kèm Quyết định số 7712/QĐ-BCA-X02, ngày 27/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Công an sẽ sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình khung đào tạo trung cấp trong CAND. Khi chuẩn chương trình và chương trình khung được ban hành, các học viện, trường CAND phải xây dựng chương trình đào tạo theo hướng lựa chọn nội dung các học phần, môn học tự chọn một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng đào tạo theo đặc điểm vùng miền và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bên cạnh đó, thường xuyên bổ sung cập nhật những kiến thức mới đảm bảo nội dung chương trình đào tạo trong các học viện, trường CAND, bám sát thực tiễn chiến đấu của ngành, để học viên tốt nghiệp học viện, trường CAND về Công an các đơn vị, địa phương có thể phát huy những kiến thức được học trong nhà trường. Muốn làm được điều này, chương trình đào tạo được xây dựng phải tiếp cận được với các nhân tố mới, các học phần, môn học được đưa vào chương trình cần phải có sự dự báo dài hạn để người học được tiếp cận với kiến những kiến thức mới, khi ra trường thì những kiến thức này chưa bị lạc hậu.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực của người học cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong các trường CAND
Trong thời kỳ đất nước hội nhập, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi lực lượng CAND phải nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) để không bị lạc hậu. Vì vậy, trong chương trình đào tạo cần bố trí hợp lý việc học tập các môn ngoại ngữ, tin học nâng cao.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực của người học cũng là một trong những nội dung quan trọng. Để truyền tải được kiến thức đến người học, rèn luyện được tay nghề cho học viên, đòi hỏi phải phối kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình giảng dạy; kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp mới như: thảo luận nhóm; xêmina; thực hành; hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu, tự trình bày; vấn đáp; minh hoạ... Nghiên cứu để giảm bớt thời gian học lý thuyết, tăng thời gian cho các khâu thực hành nghề nghiệp, tham quan, ngoại khóa, bố trí các khâu làm bài tâp tình huống, xêmina, hội thảo nhóm.
Xác định việc kết hợp giữa học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là một hoạt động thường xuyên, làm cho phương pháp dạy học thống nhất với phương pháp nghiên cứu khoa học, có tổng kết rút kinh nghiệm, các đề tài nghiên cứu khoa học cần tập trung vào công tác tổng kết thực tiễn, giảm bớt những đề tài mang tính lý luận và khoa học cơ bản.
Ưu tiên việc nghiên cứu, chỉnh lý hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, đặc biệt là khối kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, thường xuyên cập nhật tình hình thực tiễn công tác Công an phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Đồng thời nghiên cứu, trang bị các phòng học thông minh, các phòng học chuyên dùng để đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy; nghiên cứu phát triển trung tâm ứng dụng, thực hành nghiệp vụ theo từng lực lượng, mô phỏng các tình huống thực tế trên phần mềm máy tính để nâng cao hơn nữa việc rèn luyện kỹ năng và thực hành tình huống nghiệp vụ của học viên.
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn
- Lỗ hổng nghiêm trọng trong tiện ích kiểm tra ngữ pháp cho phép tin tặc đánh cắp dữ liệu (08.03.2019)
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2018 (07.03.2019)
- Nguy cơ đe dọa và thủ đoạn xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng (05.03.2019)
- Nhận thức về phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ trong thực ti (01.03.2019)
- Hãy luôn là những thầy, cô điển hình về tấm gương đạo đức tốt trong đào tạo sĩ quan Cảnh sát tại Trư (26.02.2019)
- Những quan điểm cực đoan về đối tác, đối tượng của Việt Nam hiện nay (26.02.2019)
- Giải pháp làm giảm tai nạn giao thông đường bộ ở địa bàn nông thôn của lực lượng Cảnh sát giao thông (24.01.2019)
- Thân thương tấm áo blouse (05.12.2018)
- Bác Hồ với mùa Xuân của Đảng, của đất nước và dân tộc (18.07.2018)