Ngày 28/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013 thì mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Công an nhân dân quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, nhưng hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 03 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách. Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 03 lực lượng sẵn có thành 01 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.
Các đại biểu tại phiên họp
Rà soát các quy định đảm bảo tính kế thừa, thống nhất, khả thi
Đối với các ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là Bộ đội, Công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín, người chấp hành xong án phạt tù, người học xong chương trình tiểu học, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp thu vào Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhằm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung vào dự thảo Luật đã tiếp thu chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe (tại điểm b khoản 3 Điều 17).
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.
Về công tác bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại Hội nghị
Quy định mở về bồi dưỡng, hỗ trợ, bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Đối với ý kiến đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bảo đảm tính khả thi; đề nghị quy định theo hướng mở để các địa phương thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế; đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc; cần quy định để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước; cần bổ sung thêm phương án bố trí khác bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp thu và thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến nội dung về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
Lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, dự thảo luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã có tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, kịp thời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vừa qua và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu
Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo quan điểm xuyên suốt, thống nhất là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách Nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về các nội dung còn băn khoăn, các ý kiến đề nghị cân nhắc hoặc bổ sung hoặc đề xuất mới tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, các cơ quan sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo Chính phủ để có sự giải trình, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Luật để đảm bảo điều kiện trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua.
Lê Hòa - Thu Phương - Phương Thủy
- Nhiều kết quả nổi bật trong công tác luân chuyển cán bộ, lãnh đạo chỉ huy trong Công an nhân dân (09.08.2023)
- Quán triệt, phổ biển Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Công an nhân dân (09.08.2023)
- Cán bộ, giảng viên Trường Đại học CSND tham gia Hội thao Công an Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng (08.08.2023)
- Chung tay xây dựng "Ngôi nhà 19-8" cho bà con dân tộc thiểu số (06.08.2023)
- Khẩn trương hoàn thiện 02 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ (02.08.2023)
- Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành, lấy ý kiến trong tháng 7/2023 (02.08.2023)
- Những điểm mới nổi bật của Luật CAND sửa đổi (31.07.2023)
- "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" (26.07.2023)
- Đi là để trưởng thành… (23.07.2023)