Hiện nay, thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và đang tận hưởng những thành tựu bước đầu của cuộc Cách mạng này. Đó là công nghệ in ba chiều (in 3D), lưu trữ thông tin không giới hạn; kết nối toàn cầu đa phương thức… Về bản chất, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, mọi lĩnh vực và ngành nghề.
Đồng chí Đại tá, PGS, TS. Trần Thành Hưng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội thảo
Trên phương diện bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ có tác động mạnh mẽ, toàn diện, mang đến những bước phát triển cao hơn cùng những thách thức lớn hơn. Trong đó sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới các vấn đề như biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng, an ninh thông tin, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ…, đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động, kiểm soát tốt để đảm bảo chủ quyền an ninh cho người dân, đất nước. Bên cạnh đó, Giáo dục - Đào tạo được xác định là ngành mũi nhọn nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chịu sự tác động trực tiếp của cuộc CMCN 4.0 về nội dung, phương pháp giảng dạy, mô hình đào tạo, quản lý, ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. Đây cũng là những đòi hỏi đối với giáo dục đào tạo trong CAND phải có nhận thức mới về bảo đảm an ninh trật tự, về những tác động của cuộc CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng.
Để góp phần giải quyết vấn đề trên, Trường Đại học CSND đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm hiểu rõ, nắm chắc bản chất cũng như tận dụng được thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc CMCN 4.0, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Trường.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Ngoài hơn 50 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học trong và ngoài trường, các cán bộ, giảng viên và sinh viên được in trong Kỷ yếu, tại Hội thảo, đại biểu còn được nghe nhiều ý kiến trao đổi, phân tích về đặc điểm, bản chất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, những tác động, ảnh hưởng và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này vào công tác giáo dục, đào tạo trong CAND nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Trường Đại học CSND nói riêng... Qua đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm chủ động, tích cực khai thác hiệu quả những thành quả của cuộc CMCN 4.0 vào công tác giáo dục - đào tạo tại Trường Đại học CSND.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đại tá, PGS, TS. Trần Thành Hưng đánh giá cao chất lượng Hội thảo. Đây là Hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để nhận diện về cuộc CMCN 4.0, những thách thức và yêu cầu đặt ra trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Trường Đại học CSND. Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên cần chủ động vận dụng các nội dung, kết quả của Hội thảo vào công tác chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu và chủ động học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0./.
Tác giả: Ngô Đức Việt - Nguyễn Văn Trung
Tin liên quan
- Đấu tranh với hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá Đảng, nhà nước ta hiện nay (08.11.2022)
- Tập huấn công tác THAHS tại cộng đồng tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (03.11.2022)
- Vai trò của người giảng viên đối với công tác tuyên truyền pháp luật (31.10.2022)
- Hội nghị trực tuyến Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (28.10.2022)
- Củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi NQ24 (24.10.2022)
- Pháp chế CAND đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH* (20.10.2022)
- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng CAND (14.10.2022)
- Việt Nam luôn xem trọng vấn đề nhân quyền (11.10.2022)
- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực ngày 01/10/2022 (05.10.2022)