Kỳ họp thứ năm và thứ sáu (Quốc hội khóa XIV) đã và đang thảo luận thông qua nhiều dự luật, luật sửa đổi và luật mới. Trong những dự luật đã và đang được Quốc hội Việt Nam sửa đổi, xây dựng mới có Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật An ninh mạng và nghị định của Chính phủ (về luật này); Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước… Đối với những luật này không chỉ các đại biểu Quốc hội mà người dân cũng đặc biệt quan tâm, vì đây là những khuôn khổ pháp luật hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đồng thời cũng bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thế nhưng trên không gian mạng đã có một số kẻ đưa ra những bình luận ác ý, xuyên tạc bản chất, mục tiêu và cả những quy định của nhiều bộ luật vừa được Quốc hội Việt Nam sửa đổi, soạn thảo thông qua.
Chẳng hạn có người viết rằng: “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”, “Luật An ninh mạng mở đường cho một cuộc trấn áp mới''(!); "Pháp luật Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận (Luật Hình sự, Luật Báo chí…)"; "Luật Phòng, chống tham nhũng chẳng qua chỉ là công cụ trong cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác... Vậy bản chất và nguyên tắc pháp luật của Nhà nước Việt Nam là gì? Và vì sao người ta lại cố tình xuyên tạc hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam?
Chẳng hạn có người viết rằng: “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”, “Luật An ninh mạng mở đường cho một cuộc trấn áp mới''(!); "Pháp luật Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận (Luật Hình sự, Luật Báo chí…)"; "Luật Phòng, chống tham nhũng chẳng qua chỉ là công cụ trong cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác... Vậy bản chất và nguyên tắc pháp luật của Nhà nước Việt Nam là gì? Và vì sao người ta lại cố tình xuyên tạc hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam?
Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Ảnh minh họa:TTXVN
Bản chất và nguyên tắc pháp luật của Nhà nước Việt Nam là gì?
Xét về lịch sử, pháp luật ra đời cùng với đấu tranh giai cấp và nhà nước… Trong khi xung đột giai cấp diễn ra ngày càng gay gắt và cuộc đấu tranh giai cấp không thể điều hòa được thì cần thiết phải có một loại quy phạm xã hội điều chỉnh cuộc đấu tranh đó. Quy phạm đó là pháp luật do giai cấp thống trị thiết lập để duy trì trật tự xã hội. Trong các xã hội hiện đại, pháp luật do các cơ quan dân cử (quốc hội, nghị viện) xây dựng. Tuy nhiên, nội dung chính trị của những quy phạm pháp luật vẫn do các đảng chính trị cầm quyền chi phối nhằm duy trì, bảo vệ chế độ xã hội hiện hữu.
Nguyên tắc của pháp luật là tính quy phạm, phổ biến, bắt buộc, bình đẳng đối với tất cả thành viên xã hội và các tổ chức được nhà nước bảo đảm bằng các phương thức, trong đó có phương thức cưỡng chế, như các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án…).
Xét về chức năng, pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời đó cũng là phương tiện thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bản chất, mục tiêu và nguyên tắc pháp luật của Nhà nước Việt Nam được ghi trong Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Ở quy định nói trên (“Nhà nước pháp quyền XHCN”), nội dung chính trị là: (1) Vai trò lãnh đạo cầm quyền Nhà nước và xã hội thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam; (2) “Nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước”.
Điều 4, Hiến pháp quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN trước hết và chủ yếu ở quy định: (1) “Luật pháp giữ vị trí tối cao đối với nhà nước và xã hội; (2) “Nhà nước bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân”. Đồng thời, người dân có trách nhiệm tuân thủ pháp luật.
Điều 15, Hiến pháp quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Những quy định trong luật sửa đổi và trong những bộ luật mới gần đây đã thể hiện rõ bản chất và nguyên tắc của pháp luật Nhà nước Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của khoa học-công nghệ, sự phát triển xã hội.
Bộ luật Hình sự 2015 về cơ bản giữ lại những điều quan trọng trong Bộ luật Hình sự 2009 về ''các tội xâm phạm an ninh Quốc gia” và "các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính''. Đó là các điều: Điều 79 về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sửa đổi thành Điều 109 Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và bổ sung thêm chế tài đối với người chuẩn bị phạm tội và người đã tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 88 về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chuyển thành Điều 117 với những quy định cụ thể hơn: Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Điều 258 về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được sửa đổi thành Điều 343 (nội dung vẫn giữ nguyên).
Bộ Luật An ninh mạng (và nghị định của Chính phủ về luật này) ra đời đáp ứng an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội (còn được gọi là xã hội ảo) nhằm bảo vệ an ninh mạng, như một nhu cầu thiết yếu của đời sống, của xã hội hiện đại.
Khác với các thời kỳ lịch sử trước, các thế lực thù địch thường sử dụng lực lượng vũ trang để xâm lược đất nước ta. Ngày nay các thế lực thù địch, bao gồm cả những phần tử cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị đã và đang lợi dụng internet, mạng xã hội để tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối, kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân, chuyển hóa chế độ Việt Nam sang con đường tư bản, lệ thuộc vào nước ngoài. Bộ Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh quốc gia, đồng thời bảo đảm môi trường mạng lành mạnh cho hoạt động xã hội. Một số quy định hạn chế quyền của cá nhân, tổ chức liên quan là điều tất nhiên.
Luật An ninh mạng chỉ đưa ra những hạn chế đối với các hành vi sử dụng không gian mạng chống Nhà nước Việt Nam, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là những hoạt động: (1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; (2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc…; (3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; (4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc…; (5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội... (6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8).
Xét về quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật An ninh mạng hoàn toàn không hạn chế về quyền và lợi ích của nhóm đối tượng trên, ngược lại, Luật An ninh mạng còn bảo vệ người dân và doanh nghiệp bằng việc bảo đảm một môi trường thông tin chân thực, lành mạnh, không bị “ô nhiễm” thông tin như đối với không khí, nước uống và thực phẩm sạch cho tinh thần.
Luật An ninh mạng, nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng… có các quy định cụ thể yêu cầu những tài khoản cá nhân, trang mạng lưu trữ tư liệu, tra cứu thông tin… bao gồm cả việc đặt máy chủ tại Việt Nam như nhiều quốc gia trên thế giới (mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá chế độ xã hội, Nhà nước Việt Nam) nhằm loại bỏ thông tin xấu độc, độc hại ngay tại gốc là điều hợp lý.
Dựa trên thực tiễn, Luật Phòng, chống tham nhũng đã có nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm ngăn chặn tệ nạn này. Chẳng hạn: Điều 20 (Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn…), quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu… không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho… Điều 22 (Quy định về tặng và nhận quà): Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng…; Cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng.
Nhìn lại những bộ luật mới và bộ luật sửa đổi mà Quốc hội vừa thông qua cho thấy, đây là một bước phát triển mới về tư duy chính trị-pháp lý của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bước tiến đó không chỉ dựa trên sự kế thừa và phát triển tư duy chính trị, pháp lý của các giai đoạn lịch sử mà còn bắt nhịp với sự phát triển chung của các quốc gia, dân tộc trong thời đại về nhiều mặt, trong đó có khoa học, công nghệ về hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trên không gian mạng, các thế lực thù địch vẫn đang tán phát những luận điệu lèo lái, xuyên tạc nhiều bộ luật mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua. Mục tiêu của chúng là xuyên tạc bản chất của chế độ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Có thể nói, chiến lược của chúng hiện nay đang tập trung vào việc khuyến khích các phần tử cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị lợi dụng internet, mạng xã hội phá hoại chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mới trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia nói chung, an ninh mạng và an ninh tư tưởng chính trị nói riêng, cần được nhận thức đầy đủ.
Tác giả: Cao Hà
Tin liên quan
- Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh (24.08.2023)
- Bảo đảm trật tự, ATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường (22.08.2023)
- Luật Căn cước tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực (18.08.2023)
- Ngày truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam 19/8 (14.08.2023)
- CA các đơn vị tập trung phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, bờ sông, bờ biển và lũ quét (10.08.2023)
- Từ ngày 15/8/2023, công an xã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (09.08.2023)
- Tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét (08.08.2023)
- 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân (07.08.2023)
- Cụ thể hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bảo đảm an ninh quốc gia (02.08.2023)