Chiều 18/8, tiếp tục Phiên họp thứ 25, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đại diện cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Thảo luận về dự án luật, các đại biểu đều thống nhất cần sửa đổi nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thẻ Căn cước vào công tác quản lý Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
Các đại biểu tại phiên họp
Nhất trí tên gọi Luật Căn cước và Thẻ Căn cước
Tại phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo nêu rõ, Thường trực UBQPAN nhất trí với nhiều ý kiến ĐBQH về sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay.
Về tên gọi, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí về việc đổi tên luật thành Luật Căn cước để phù hợp với đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật, bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên luật là Luật Căn cước công dân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra
Thường trực UBQPAN của Quốc hội cũng nhất trí với cơ quan soạn thảo về sự cần thiết quy định về căn cước điện tử, đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như dự thảo luật Chính phủ trình. Thường trực UBQPAN cũng nhất trí với Bộ Công an về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Về nội dung thể hiện trên Thẻ Căn cước, Thường trực UBQPAN cho biết, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào Thẻ Căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên thẻ sẽ bảo đảm tính bao quát hơn; đồng thời, Điều 46 dự thảo luật về điều khoản chuyển tiếp đã quy định: các loại giấy tờ đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân (CMND), Thẻ Căn cước công dân (CCCD) vẫn nguyên giá trị sử dụng; Thẻ CCCD quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như Thẻ Căn cước được quy định tại luật này.
Như vậy, việc đổi tên Thẻ CCCD thành Thẻ Căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội và cũng không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch và tâm lý người dân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ tên Thẻ Căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình.
Cấp Thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi thuận lợi, tiện ích cho người dân
Về người được cấp Thẻ Căn cước, Thường trực UBQPAN cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Bên cạnh đó, pháp luật về xuất nhập cảnh đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt. Tuy Thẻ Căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này; mặt khác Thẻ Căn cước nhỏ gọn, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác, góp phần thúc đẩy thực hiện Chính phủ số, xã hội số.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng Thẻ Căn cước gắn chip; về lâu dài sẽ nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp Thẻ Căn cước để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước, phát huy giá trị, tiện ích của Thẻ Căn cước trong đẩy mạnh Chính phủ số, xã hội số. “Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ quy định này như dự thảo luật Chính phủ trình” – Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Cần thiết cấp giấy chứng nhận, quản lý người gốc Việt
Đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, UBQPAN cho rằng, dự thảo Luật Căn cước bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng này và quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho họ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cũng nhất trí quan điểm cần thiết phải quản lý, cấp giấy tờ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc, học tập của người gốc Việt đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, đưa người gốc Việt vào quản lý là rất cần thiết, “Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư, họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận nên cần quản lý họ” – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đánh giá cao báo cáo giải trình tiếp thu của UBQPAN, bày tỏ đồng tình với việc đưa đối tượng áp dụng là người gốc Việt chưa có giấy tờ để quản lý là rất cần thiết. “Qua khảo sát hoạt động người gốc Việt Nam từng ở nước ngoài rồi về Việt Nam sinh sống hiện nay có khoảng 31 nghìn người, nhiều nhất là bà con ở biên giới Tây Nam do biến động lịch sử nên di dân về Việt Nam. Bà con chưa được cấp giấy tờ nên rất khó khăn trong sinh hoạt. Chính vì vậy, việc cấp giấy đảm bảo cho bà con quyền con người, quyền dân sự…” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đối với người gốc Việt Nam, dù tên gọi luật thế nào cũng nên có giấy tờ để cấp cho họ. Không chỉ bà con gốc Việt từng ra nước ngoài sinh sống rồi quay về, mà ngay ở trong nước, trên địa bàn Tây Nguyên một số bà con cũng không có giấy tờ tuỳ thân vì trải qua nhiều biến cố, di dân tự do nên thất lạc. Chính vì vậy, cần phải quản lý, cấp giấy tờ để họ có điều kiện học tập, làm việc, đảm bảo quyền lợi cho họ.
Thẻ Căn cước là xác định định dạng cá nhân của con người
Giải trình ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ đồng tình với những vấn đề UBQPAN trình. “Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa số các đại biểu thống nhất với giải trình của UBQPAN” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Về 2 nội dung nhiều đại biểu quan tâm, là tên dự án luật và tên Thẻ căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Thẻ Căn cước bản chất là xác định định dạng cá nhân của con người, xác định anh là ai để xác định địa vị pháp lý của người đó trong giao dịch xã hội. Thứ 2 là hướng tới cấp căn cước cho toàn dân để phục vụ giao dịch xã hội thuận lợi, ai cũng có giấy tờ khẳng định địa vị pháp lý của mình và để quản lý xã hội chuẩn nhất.
“Đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế thì trên thế giới các nước cũng chỉ có thẻ ID là định dạng cá nhân để phân biệt giữa người nọ với người người kia. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ. Tên gọi Luật Căn cước, Thẻ Căn cước thì tính phổ cập lớn hơn nhiều, tên của giấy tờ càng ngắn càng tốt. Về lo ngại phải sửa các luật khác cho phù hợp thì chúng tôi thấy rằng, hiện nay, hệ thống luật liên thông rất nhiều nên việc sửa để đi đến cái hoàn chỉnh là cần thiết, chúng ta phải dứt bỏ cái cũ để đi đến cái hoàn chỉnh, đúng bản chất, đảm bảo hội nhập quốc tế. Trên thực tế cũng không có gì đảo lộn, không có gì tốn kém. Thẻ Căn cước hay CCCD đều có giá trị như nhau chứ không có gì ảnh hưởng, không có gì xáo trộn, CCCD có giá trị sử dụng đến khi đổi” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ Công an đi đầu trong xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra và soạn thảo cần dày công hơn nữa trong giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu sao cho thuyết phục để dự án luât càng sớm được ban hành càng tốt để triển khai hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, xã hội số…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
“Trên thực tế, Bộ Công an là đơn vị đi đầu trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Hiện nay, trong khi một số cơ quan đang loay hoay xin công bố sự kiện 100 triệu dân thì Bộ Công an đã báo cáo 100 triệu dân cách đây lâu rồi, có khi mấy năm nữa lại đề nghị tổ chức điều tra dân số tốn hàng trăm tỷ nữa, trong khi Cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an đã có đầy đủ hết thông tin” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất hiện đại. "Tôi đã thăm trực tiếp rồi, chỉ cần bấm bản đồ lên sẽ có hết số liệu từng xã, từng phường. Nếu luật này ra được sớm thì rất tốt, đề nghị các đồng chí tăng cường thông tin truyền thông, tạo đồng thuận” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phát biểu kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát tiếp thu, giải trình để các đại biểu Quốc hội và người dân thấy rõ ý nghĩa của dự án luật, đặc biệt, một số nội dung cần có hiệu lực trước để phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo Nghị quyết của UBTVQH.
Các đại biểu dự phiên họp
Hồng Giang - Phương Thủy
Theo
- Tìm hiểu về tòa án điện tử tại Hàn Quốc (Phần 1) (02.06.2022)
- Chiến lược quốc gia cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn đến năm 2030 (02.06.2022)
- Hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2022 (02.06.2022)
- Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh (01.06.2022)
- “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” (31.05.2022)
- Thông tư mới quy định Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong CAND (31.05.2022)
- Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai (25.05.2022)
- Tập huấn công tác Thi hành án hình sự, Tạm giữ, tạm giam và Hỗ trợ tư pháp tại CA tỉnh Tiền Giang (10.05.2022)
- Nâng cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (01.05.2022)