Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Bộ Công an được triển khai trên cơ sở tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết các hiệp định về dẫn độ và hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù thì thực hiện trên nguyên tắc “có đi có lại” đảm bảo đúng quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, Trưởng đoàn tham dự Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp Cơ quan Trung ương của các nước ASEAN về tương trợ tư pháp hình sự cùng các thành viên Đoàn Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu chính trị, đối ngoại, công tác phòng, chống tội phạm, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã và đang tăng cường hợp tác nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác bảo đảm an ninh quốc tế và lợi ích quốc gia; bảo vệ, bảo hộ công dân cũng như tăng cường phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ký kết các hiệp định về phòng, chống tội phạm, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp Cơ quan Trung ương của các nước ASEAN về tương trợ tư pháp hình sự theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, Bộ Công an đã triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đa phương như Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và các Nghị định thư bổ sung, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, Hiệp định ASEAN về dẫn độ… Hoàn thiện các thủ tục nội bộ đối với việc đàm phán các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù và phòng chống tội phạm (Ăng-gô-la, Ả-rập Xê-út, Ca-ta, Ni-giê-ri-a, Phi-líp-pin, Trung Quốc) linh hoạt tổ chức việc đàm phán qua kênh ngoại giao (Ác-hen-tina)…
Đồng thời, tích cực phối hợp triển khai thực hiện các điều ước quốc tế do các bộ, ngành khác chủ trì: Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước chống phân biệt chủng tộc, Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế…
Ngoài ra, thực hiện công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, Bộ Công an triển khai phối hợp với các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP tại Việt Nam), Văn phòng của Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ (EU JULE)… để tổ chức các chương trình, dự án nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng của Bộ Công an.
Tuy ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Bộ Công an đã tham gia hơn 30 cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế theo hình thức trực tuyến, đặc biệt là tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 14 của Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự; Khóa họp lần thứ 30 của Ủy ban Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự. Công tác dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Bộ Công an vẫn đạt được kết quả tốt, góp phần thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhiều yêu cầu về dẫn độ và yêu cầu về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước ngoài gửi đến Việt Nam đều được xem xét, giải quyết nhanh chóng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật các nước có liên quan.
Trong điều kiện Nhà nước ta tăng cường thực hiện chính sách đối ngoại: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng. Cùng với đó là nạn di cư trái phép, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp. Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng. Do vậy, việc tăng cường hợp tác về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, phòng, chống tội phạm phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quan tâm thực hiện. Đây vừa là nhu cầu tất yếu khách quan vừa là trách nhiệm của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo quyền con người và bảo hộ công dân.
Để thực hiện điều này, đòi hỏi phải có lộ trình, hướng đi thích hợp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân, công tác về dẫn độ, công tác về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Thời gian tới, Bộ Công an đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước có liên quan đến dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, đặc biệt tập trung xây dựng Luật về dẫn độ và Luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Hai là, tăng cường ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, phòng, chống tội phạm, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, các nước hoặc vùng lãnh thổ có nhiều công dân Việt Nam đang chấp hành hình phạt tù hoặc có nhiều công dân đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, trong đó có việc tổ chức triển khai UNCAT, UNTOC, UNCAC, ICCPR…
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách thực hiện dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo cán bộ về công tác nghiệp vụ và pháp luật, tập trung đổi mới các hình thức đào tạo, nhất là đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng, chiến thuật mang tính thực tiễn cao. Trong đó, cần kết hợp đào tạo ngoại ngữ, tin học ở trình độ cao và nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ với nhiều hình thức đào tạo khác nhau; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; hợp tác trao đổi kinh nghiệm về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, phòng, chống tội phạm với các nước.
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp
//bocongan.gov.vn/
- 110 năm ngày sinh chủ tịch hội đồng nhà nước Võ Chí Công – Kỳ 1 (06.08.2022)
- Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (22.07.2022)
- Tội xâm phạm Quyền bình đẳng giới theo quy định của Luật hình sự Việt Nam (20.07.2022)
- Những dấu son lịch sử qua 60 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CSND (15.07.2022)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi (01.07.2022)
- Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự (21.06.2022)
- Cảnh giác với hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân (08.06.2022)
- Nghiên cứu, đóng góp những ý kiến xác đáng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (06.06.2022)
- Tìm hiểu về tòa án điện tử tại Hàn Quốc (Phần 2) (05.06.2022)