Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, trong đó, xác định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày này, cách đây 75 năm, vào năm 1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc Quốc hội chọn ngày 9 tháng 11 là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa chính trị - pháp lý quan trọng nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã luôn coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ANTT; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh để lực lượng CAND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ nội dung Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ANTT; kết hợp với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ, quản lý về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm, phát hiện văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác Công an. Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam đã được Công an các đơn vị, địa phương tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, có nề nếp với những hoạt động cụ thể, thiết thực, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn. Với chủ đề, khẩu hiệu hành động sát hợp, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước, Ngày Pháp luật đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn, bảo vệ pháp luật của mọi công dân nói chung, của cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn, thách thức mới. Những nguy cơ, mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục có những tác động mạnh mẽ, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng. Để tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, nhằm góp phần "Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, liêm chính, hành động và xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về an ninh, trật tự, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lấy kết quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với Công an đơn vị, địa phương. Trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua các dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Chủ động nghiên cứu, đề xuất nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Nghiên cứu, chỉnh lý hệ thống giáo trình pháp luật; tăng thời lượng giảng dạy pháp luật tại các học viện, trường Công an nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông CAND trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT.
Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về ANTT. Tích cực triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thực hiện hiệu quả các luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến ANTT. Việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật cần lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, kiến nghị giải pháp xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về ANTT. Xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong CAND, đổi mới các khâu, quy trình công tác; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bốn là, tiếp tục rà soát, kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế trong CAND bảo đảm hoạt động hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, trình độ, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế CAND vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về pháp luật; có năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về ANTT. Quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Có biện pháp khuyến khích, thu hút cán bộ có kinh nghiệm thực tế, khả năng nghiên cứu, nắm vững pháp luật về công tác tại các bộ phận, đơn vị làm công tác pháp chế trong Công an nhân dân.
Năm là, Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2021 trong CAND với chủ đề: “Cán bộ, chiến sĩ CAND tích cực nêu cao tinh thần: “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” trong công tác hoàn thiện thể chế, thực thi, bảo vệ pháp luật, góp phần từng bước xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, an toàn, lành mạnh” có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, Công an các đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND cần luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật, nêu cao gương mẫu trong việc chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, xác định toàn bộ các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật để từ đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, trở thành nếp sống văn hóa, văn minh của mỗi người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
Nguồn:
- Họp mặt các lực lượng CAND tham gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức (28.10.2021)
- Tổng kết Cuộc thi đại sứ văn hoá đọc trong CAND năm 2021 (25.10.2021)
- Trường Đại học CSND hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 (23.10.2021)
- “Phụ nữ Đại học CSND đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” (22.10.2021)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Còn nhiều việc phải làm để chị em phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn (19.10.2021)
- Không thể ghi hết những gian lao, vất vả, hy sinh của lực lượng tuyến đầu (19.10.2021)
- Tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn TP.HCM (16.10.2021)
- Bộ trưởng Tô Lâm gặp mặt động viên gần 400 cán bộ tăng cường về xã biên giới, trọng điểm (15.10.2021)
- Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về 4 cấp độ dịch (14.10.2021)