Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú nêu rõ, Sổ hộ khẩu chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Vậy Cần làm gì trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử?
1.Xin Giấy xác nhận thông tin về cư trú
Sổ hộ khẩu thường được sử dụng trong các thủ tục, giao dịch cần chứng minh thông tin về cư trú.
Khi Sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, công dân có thể sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú.
Nội dung của giấy này bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Căn cứ quy định tại Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA, công dân có thể yêu cầu cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú theo 02 cách:
- Cách 1: Đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú đề nghị cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Theo khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020:
Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
- Cách 2: Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia.
2. Làm Căn cước công dân gắn chip
Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân nêu rõ, Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.
Theo đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu.
Người dân có thể sử dụng Căn cước công dân gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.
Khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên Căn cước công dân khi yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân.
Trên mặt thẻ Căn cước công dân thể hiện các thông tin cơ bản về: Số Căn cước công dân (chính là số định danh cá nhân); Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ảnh chân dung; Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày thẻ hết hạn; Vân tay; Ngày cấp thẻ; Đặc điểm nhân dạng; …
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng còn có thể sử dụng thiết bị đọc chíp để trích xuất thông tin.
Con chip trên thẻ Căn cước công dân hiện nay có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, khóa bảo mật công khai, ứng dụng mật khẩu một lần….
3. Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Tại Nghị quyết 121/NQ-CP ban hành ngày 11/9/2022, Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng ứng dụng định danh điện tử, dữ liệu dân cư, thẻ Căn cước công dân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.
Căn cứ nội dung chỉ đạo trên, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân thay thế Sổ hộ khẩu để chứng minh nhân thân, cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh cá nhân của công dân Việt Nam có 02 mức độ với giá trị sử dụng như sau:
- Mức độ 1: Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
- Mức độ 2:
* Tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
* Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.
Với tài khoản định danh cá nhân mức độ 1, người đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp tự đăng ký thông qua ứng dụng VNelD trên điện thoại.
Với tài khoản định danh mức độ 2, công dân phải trực tiếp đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký.
Trước thời điểm Sổ hộ khẩu chính thức bị “khai tử”, Chính phủ đã có chỉ đạo liên quan đến các quy định về việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy.
Cụ thể, tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 04/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khấu giấy, Sổ tạm trú giấy để trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2022.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền có yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy để ban hành trước ngày 31/12/2022.
Tác giả: Thanh Tùng (Tổng hợp)
- Cần làm gì trước các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo bằng hình thức thông báo (20.03.2023)
- Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (18.03.2023)
- Nhận diện âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số (16.03.2023)
- Cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16.03.2023)
- Tập huấn công tác nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An (10.03.2023)
- 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch HCM (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tư tưởng HCM về thi đua yêu nước (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (24.02.2023)
- Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam từ ngày 1/3/2023 (23.02.2023)