Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: "Đội ngũ Nhà giáo Công an nhân dân (CAND) với sự nghiệp xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại". Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.
1. Từ dấu mốc lịch sử thành lập những lớp huấn luyện công an theo Nghị định số 215-NV/NĐ ngày 25/6/1946 của Chính phủ, mà những người thầy đầu tiên trong đội ngũ Nhà giáo CAND được chọn lựa từ cán bộ đang công tác, chiến đấu; đến nay, hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo trong CAND đã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và trên đà phát triển vững mạnh; với 4 học viện, 4 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường văn hóa. Đội ngũ Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hùng hậu bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng gồm hàng nghìn Nhà giáo có học hàm, học vị cao, nhiều Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Bên cạnh giảng viên cơ hữu có nhiều giảng viên thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý đang trực tiếp công tác, chiến đấu.
Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2022), lực lượng CAND vui mừng có thêm 01 Nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, 19 Nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Không chỉ là những con số, thực tiễn lịch sử anh hùng, vẻ vang của CAND Việt Nam khẳng định, các thế hệ Nhà giáo CAND qua các thời kỳ đã góp phần quan trọng, quyết định vào xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, đất nước và nhân dân, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, thành quả cách mạng, Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Thực sự là đội ngũ của những người chỉ biết “còn Đảng thì còn mình”.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ tặng hoa chúc mừng các thế hệ lãnh đạo, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú của Học viện An ninh nhân dân qua các thời kỳ
2. Lịch sử đã khẳng định, giữa lúc đất nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng lúc chiến đấu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, lực lượng CAND đã tập trung vào công tác đào tạo cán bộ, hướng cán bộ dựa vào quần chúng phát động phong trào “Ba không”, “Phòng gian bảo mật”, “Rèn cán bộ, lập chiến công”, làm tốt nhiệm vụ phòng gian, trừ gian, bảo vệ các khu di tích, căn cứ địa cách mạng, các cơ quan của Đảng và Chính Phủ. Nhiều tổ chức phản động như “Tôn giáo liên hiệp”, “Thanh niên diệt cộng”, “Mặt trận dân chúng liên hiệp”, “Mặt trận quốc gia bài cộng”… đã bị lực lượng Công an phát hiện và trừng trị góp phần đẩy nhanh tiến trình cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó, các nhà trường và Nhà giáo CAND đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam chiến đấu và chiến thắng toàn diện trước cơ quan Phòng Nhì, mật thám, gián điệp biệt kích của thực dân Pháp và các loại tội phạm.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phát huy truyền thống vẻ vang, với sự lớn mạnh và trưởng thành hơn một bước, các nhà trường và Nhà giáo CAND qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã cung cấp nguồn nhân lực để hình thành nên đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an vững vàng về bản lĩnh chính trị, am hiểu pháp luật, tinh thông và sắc bén nghiệp vụ, xây dựng thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, để miền Bắc thật sự là điểm tựa vững chắc cho miền Nam anh dũng, thành đồng. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chi viện kịp thời để lực lượng An ninh miền Nam giành thắng lợi trong cuộc đối đầu đầy gian khổ với đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi chung thống nhất đất nước.
Hoà bình lập lại, non sông thu về một mối, tiếp nối truyền thống vẻ vang, đội ngũ Nhà giáo CAND đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ Công an những năm đầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế. Đến nay giáo dục, đào tạo CAND đã khẳng định vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục quốc gia, vươn tầm khu vực và quốc tế, đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, gắn với các lĩnh vực công tác, chiến đấu của toàn lực lượng. Đào tạo các trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy, kiến thức quốc phòng - an ninh… giúp nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy. Cùng với đó, giáo dục, đào tạo CAND đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho Quân đội nhân dân; cho các nước bạn bè anh em ở cả các loại hình, cấp độ đào tạo, bồi dưỡng qua đó góp phần không nhỏ thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thực tiễn đã khẳng định, những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, có đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng CAND, nhất là trong giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Kết quả chung đó được kết tinh từ sự cống hiến, không quản ngại hy sinh của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an, mà phần lớn bước ra từ các học viện, nhà trường CAND. Không chỉ vậy, nhiều cán bộ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị, nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được đào tạo trong các học viện, nhà trường CAND. Đây chính là thước đo hiệu quả thực tế nhất của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên CAND trong giai đoạn đổi mới.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ tặng hoa chúc mừng thầy và trò Học viện Cảnh sát nhân dân nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Không chỉ truyền lửa, thắp sáng niềm tin trên bục giảng, nhiều Nhà giáo CAND cũng là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có uy tín của lực lượng và quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực khoa học an ninh và một số lĩnh vực khoa học khác. Các học viện, trường đại học CAND đồng thời là những trung tâm của quốc gia và đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Sản phẩm nghiên cứu lý luận, khoa học góp phần quan trọng hình thành nên hệ thống lý luận CAND Việt Nam, định hướng, dẫn dắt công tác, chiến đấu của toàn lực lượng. Hơn thế, còn góp phần cung cấp luận cứ phục vụ cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhìn lại chặng đường qua 4 thập kỷ, các thế hệ Nhà giáo CAND đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đào tạo hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, từ trình độ trung cấp, đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công an vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND. Cùng với hệ thống chính trị trong cả nước, các Nhà giáo CAND luôn xung kích, đi đầu trong việc bảo vệ quan điểm, tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại luận điệu phản động, sai trái của các thế lực thù địch hòng làm tự chuyển hóa, tự diễn biến nội bộ. Nhiều tấm gương Nhà giáo tận tuỵ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo, vì học viên thân yêu là những biểu tượng cao đẹp để các thế hệ Nhà giáo, học viên mãi mãi noi theo.
Để có được những kết quả nêu trên của giáo dục, đào tạo và đội ngũ Nhà giáo CAND trước hết là do Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong các thời kỳ luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của giáo dục, đào tạo, của Nhà giáo trong sự nghiệp cách mạng. Từ đó, thường xuyên chăm lo đến công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng đội ngũ Nhà giáo CAND, nhất là trong những năm đổi mới mang tính toàn diện, sâu sắc phù hợp với yêu cầu phát triển và mục tiêu của giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong CAND.
Giáo dục, đào tạo và các học viện, nhà trường CAND cũng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các giảng viên thỉnh giảng, cán bộ nghiên cứu trong và ngoài CAND. Để tạo nên chất lượng, hiệu quả ngày càng tích cực của giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên CAND không thể thiếu sự cố gắng, quyết tâm của cấp ủy, lãnh đạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu các học viện, trường CAND qua các thời kỳ.
3. Đất nước ta đã bước vào giai đoạn cách mạng mới với nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có những thách thức lớn về bảo vệ an ninh, trật tự. Điều này đòi hỏi toàn lực lượng CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, quan hệ phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và nhân dân, cần nâng cao hơn năng lực công tác, chiến đấu, hiệu quả hoạt động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trước những yêu cầu, đòi hỏi rất cao cả, vinh quang nhưng cũng hết sức cam go, quyết liệt đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong CAND là một giải pháp căn bản, chiến lược, mà trọng trách và vinh dự đặt lên vai các Nhà giáo CAND.
Trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được, các học viện, nhà trường, đội ngũ Nhà giáo CAND cần tiếp tục quán triệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong CAND”.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ tặng hoa chúc mừng thầy và trò Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA, ngày 25/5/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương “về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, bằng những giải pháp thiết thực trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Trong đó, mục tiêu cần đạt được là giúp cho các đối tượng học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, giữ vững, phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, chiến đấu, hy sinh, bảo vệ Đảng, Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, các học viện, nhà trường và các Nhà giáo CAND tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, trọng tâm là lý luận, khoa học bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Các học viện, trường đại học CAND phải thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu lớn, có uy tín không chỉ trong CAND mà còn của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các Nhà giáo CAND đồng thời phải là các nhà nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về lý luận, khoa học trong thực tiễn công tác, chiến đấu của toàn lực lượng và phát triển lý luận, khoa học CAND lên một tầm cao mới, theo định hướng tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ an ninh quốc gia. Công an các đơn vị, địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc, phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường, Nhà giáo CAND với tinh thần “tôn sư, trọng đạo”qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và đội ngũ Nhà giáo CAND đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CAND bày tỏ lòng tri ân, biết ơn đối với các thế hệ Nhà giáo CAND, sự tin tưởng sâu sắc với các Nhà giáo CAND hôm nay. Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và các tầng lớp nhân dân, tinh thần quyết tâm của cấp ủy, lãnh đạo các học viện, trường CAND cùng đội ngũ Nhà giáo CAND vừa hồng, vừa chuyên sẽ là động lực để giáo dục, đào tạo CAND có bước phát triển mới đáng tự hào hơn nữa.
Ban Biên tập
- Mãi xứng danh "Người anh Cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam (25.08.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của nhân dân Việt Nam (24.08.2021)
- Nhà báo Võ Nguyên Giáp: Ngòi bút chiến đấu (24.08.2021)
- Công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc (24.08.2021)
- Phát động phong trào thi đua đặc biệt tại Trường Đại học CSND (23.08.2021)
- Chung sức, chung lòng, san sẻ yêu thương (20.08.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người thầy về nghệ thuật quân sự (20.08.2021)
- Bài học về lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám với công cuộc chống (19.08.2021)
- Cách mạng Tháng Tám – Đỉnh cao hội tụ sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân” (19.08.2021)