Sáng 13/4/2023, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 2 dự án: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật TTATGT đường bộ; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Đường bộ; Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra hai dự án trên.
Nhiều quy định mới trong Luật Đường bộ
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB); phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB.
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật GTĐB năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật TTGTĐB đường bộ (đó là chương: quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.
Về nội dung chính của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, có thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, theo đó luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; bổ sung quy định việc phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư đảm bảo cấp kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn đường cấp IV; Bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng GTĐB, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ.
Bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, bố trí kinh phí tổ chức di dời công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Đường bộ
Liên quan đến phương tiện GTĐB, dự thảo luật đã bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng; Bổ sung quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng…
Về vận tải đường bộ, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế; quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa 2 loại hình này, đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ…
Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông
Trình bày Tờ trình dự án Luật TTATGT đường bộ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; xây dựng và ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng. Việc xây dựng và ban hành hai luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việc xây dựng luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật TTATGT đường bộ
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 61 điều. So với dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật đã phân định rõ về phạm vi điều chỉnh; không chồng chéo, trùng lắp về nội dung của các chương, điều; các thuật ngữ được rà soát, nhất là những thuật ngữ chuyên môn dễ gây nhầm lẫn giữa lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và kỹ thuật giao thông.
Cần thiết ban hành Luật đường bộ và Luật TTATGT đường bộ
Thẩm tra đề nghị xây dựng luật và thẩm tra sơ bộ hai dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Uỷ ban cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật GTĐB năm 2008, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở nước ta; bổ sung, điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTĐB.
Thường trực Uỷ ban QP&AN cho rằng, việc xây dựng hai luật sẽ quy định đầy đủ, chuyên sâu về cả kết cấu hạ tầng GTĐB và TTATGT đường bộ, nhất là quy định đầy đủ các nội dung của trật tự, an toàn GTĐB có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ…
Chủ nhiệm Uỷ ban QP&AN Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra 2 dự án luật trên
Thường trực Uỷ ban QP&AN nhận thấy, về cơ bản, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ. “Thường trực Uỷ ban cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng, việc xây dựng 2 dự án luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan” – Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Quang Khải - Phương Thủy
- Tìm hiểu mã QR trên Căn cước công dân gắn chíp (07.05.2021)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5 (02.05.2021)
- Chung sức chung lòng xây dựng và phát triển đất nước (01.05.2021)
- Chiến thắng 30/4 mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc (30.04.2021)
- Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng (29.04.2021)
- Những dấu hiệu cho thấy nhiễm COVID-19 chủng mới (27.04.2021)
- Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (18.04.2021)
- Đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ mới (12.04.2021)
- Giờ Trái đất 2021: Lên tiếng vì thiên nhiên (12.04.2021)