Cuộc thi trực tuyến toàn quốc Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức từ ngày 06/9/2021 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, Đảng viên, lực lượng vũ trang, người lao động, ngư dân và các tầng lớp nhân dân cả ở trong và ngoài nước. Xin giới thiệu đến bạn đọc một số điểm mới cơ bản và quan trọng nhất của Luật Cảnh sát biển năm 2018.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Luật Cảnh sát biển quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
1. Cảnh sát biển là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng
Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có các chức năng sau:
- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;
⁃ Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;
⁃ Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
⁃ Cảnh sát biển là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và được tổ chức chặt chẽ, cụ thể:
⁃ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
⁃ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
⁃ Đơn vị cấp cơ sở.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam
Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam
Theo Điều 8 Luật Cảnh sát biển 2018, Cảnh sát biển có những nhiệm vụ sau:
- Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển…
- Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
- Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
- Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam
Điều 9 Luật Cảnh sát biển 2018, Cảnh sát biển khi thực thi nhiệm vụ có những quyền hạn sau:
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
- Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
- Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
- Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
- Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
- Áp dụng biện pháp công tác.
3. Cảnh sát biển được nổ súng khi nào?
Theo Điều 14 Luật Cảnh sát biển 2018, khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:
Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định các trường hợp được nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Trường hợp 1: Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng khi:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
- Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...
- Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Được nổ súng vào phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác...
Trường hợp 2: Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo khi:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
- Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
- Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định trên, khi thi hành nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;
- Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
- Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
Lưu ý: Nổ súng trong trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
4. Trường hợp nào Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền?
Điều 17 Luật Cảnh sát biển 2018 quy định, Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau:
- Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;
- Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền;
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
5. Khi nào Cảnh sát biển được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát?
Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển được quyền dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát khi:
- Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
- Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;
- Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển. Trường hợp không chấp hành lệnh dừng để kiểm tra, kiểm soát sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu về Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
6. 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
Điều 7 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân và cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, cụ thể:
- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
- Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.
- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam.
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
- Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.
Tác giả: Cao Hà
- Luật Cư trú 2020 “siết” chặt hơn việc khai báo tạm vắng (17.06.2021)
- Tư duy mới về An ninh quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII (16.06.2021)
- Những điểm mới của Thông tư 55 hướng dẫn Luật Cư trú (03.06.2021)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/2021) (17.05.2021)
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới (14.05.2021)
- Phổ biến luật Thi hành án hình sự năm 2019 tại tỉnh Bình Phước (14.05.2021)
- Một số điểm mới của luật Giám định tư pháp (Sửa đổi năm 2020) (11.05.2021)
- Luật phòng chống ma tuý có nhiều điểm mới (10.05.2021)
- Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại (09.05.2021)