Theo Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào sáng 14/4/2023. Quan tâm tới dự luật, một số ý kiến chuyên gia tán thành với sự cần thiết sửa đổi cũng như việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định tại Dự thảo.
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 12/3/2023
Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu của công tác công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, như: Công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau; Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát;...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến sẽ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng
Dự thảo Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 Điều, quy định về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng, với vai trò ngày càng quan trọng của căn cước công dân trong kỷ nguyên số, cùng xu thế tiến bộ của quốc tế, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) lần này là cần thiết để bảo đảm căn cước công dân thực sự phục vụ hiệu quả, tiện lợi cho đời sống xã hội. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014 là cơ sở quan trọng nhằm đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng so với Luật Căn cước công dân 2014, phạm vi điều chỉnh của Luật này đã được mở rộng. Nếu Luật 2014 quy định: Luật này quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì đến dự thảo Luật này đã mở rộng thêm đối tượng cấp chứng nhận căn cước: thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến
Bày tỏ tán thành với những căn cứ để mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng cũng lưu ý: căn cước công dân được thiết kế theo hướng lược đi thông tin không cần thiết, bảo đảm thông tin đời tư, còn những thông tin cần thiết để phục vụ quản lý, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch... thì tích hợp vào dữ liệu thẻ căn cước công dân;...
Đánh giá cao việc sớm sửa đổi Luật căn cước công dân, nguyên Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, luật sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về căn cước công dân và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định về Căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
Quang Khải - Lê Anh
- Giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (23.07.2023)
- Hỗ trợ Bộ Y tế triển khai hiệu quả Đề án 06, chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân (22.07.2023)
- Quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới (18.07.2023)
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (12.07.2023)
- Y tế Công an nhân dân – Những đóng góp thầm lặng (10.07.2023)
- VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của CA xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.HCM (03.07.2023)
- Đề xuất quy định chế độ làm việc đối với nhà giáo trong Công an nhân dân (23.06.2023)
- 6 nhiệm vụ trọng tâm trong chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (23.06.2023)
- Lấy ý kiến đối với quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND (20.06.2023)