Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân là sự kiện thể hiện rất sinh động bản lĩnh của Người. Đó làm tấm gương mẫu mực về bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, của tinh thần yêu nước, thương dân nồng nàn. Điều này được thể hiện tập trung ở mấy điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, đặt vấn đề tìm đường cứu nước bằng tư duy độc lập, phản biện.
Trong một lần trò chuyện với nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông về việc đi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh bộc bạch: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(1).
Chủ nghĩa yêu nước là mạch nguồn vô tận, là giá trị xếp cao nhất trong hệ các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giá trị này được thể hiện và phát huy đặc biệt mạnh mẽ khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm. Trong một xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng “lão quyền”, “sống lâu lên lão làng”, Hồ Chí Minh đã không bị lệ thuộc vào quan điểm của các thế hệ tiền bối, mà vượt lên những định kiến, đưa ra quan điểm riêng của Người: phải đi ra nước ngoài, xem cho rõ, sau khi đã xem rõ, trở về giúp đồng bào. Hồ Chí Minh đã ý thức được tư duy cứu nước truyền thống không thể giúp chiến thắng được thực dân Pháp - một kẻ thù hoàn toàn mới của dân tộc, không chỉ đến từ một hướng khác (hướng Tây) so với truyền thống lịch sử, mà còn hơn hẳn dân tộc Việt Nam trình độ phát triển của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với phương thức sản xuất phong kiến). Do đó, cần phải đi ra thế giới để học hỏi tư duy mới, cách thức mới và trở về giúp đồng bào. Học hỏi để tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, chứ không phải là cầu viện, trông chờ, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Tinh thần thực chứng và độc lập tự chủ như trên giúp Người tránh được các căn bệnh chủ quan duy ý chí, hoặc tâm lý chạy theo đám đông, tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm không phải là hiếm gặp trong xã hội.
Thứ hai, chọn hướng đi ra nước ngoài khác với hướng đi phổ biến đương thời.
Trước khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cụ Phan Bội Châu - một người bạn thân với thân sinh Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc, đã từng mời Người - khi đó còn là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, tham gia phong trào Đông Du, nhưng anh đã từ chối. Mặc dù khi đó chưa có điều kiện hiểu rõ về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nhưng bằng sự nhạy cảm bản thân, anh Thành không tán đồng với chủ trương của cụ Phan Bội Châu, với nhận xét tinh tế: “Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”(2). Đây là điều không phải người Việt Nam nào thời đó cũng nhận ra được. Bởi sau chiến thắng của nước Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), Nhật nổi lên như là một trong những điển hình tiêu biểu và là tấm gương sinh động cho sự chiến thắng của người châu Á trước người châu Âu, được coi là “anh cả da vàng” và vì “đồng văn, đồng chủng” nên dựa vào người Nhật để đánh đuổi Pháp là điều có sức thuyết phục. Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, khi chính quyền Pháp và chính quyền Nhật bắt tay với nhau vì có chung lợi ích về vấn đề thuộc địa, phong trào Đông Du từng sôi nổi một thời đã thất bại.
Trong khi đó, chọn hướng đi sang phương Tây, tìm hiểu thực chất những điều ẩn giấu sau khẩu hiệu mỹ miều “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để quan sát một chân trời mới, từ đó, đưa lại cho Người những tư duy rất mới: “cũng có những người Pháp tốt”(3), “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta”(4)... Chính nhờ chọn hướng đi đúng đắn sang phương Tây, Hồ Chí Minh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, tư tưởng mới. Bằng tư duy độc lập, tự chủ, óc phê phán tinh tường, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân, để vươn lên đến đỉnh cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông, vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây. Đặc biệt, nhờ chọn hướng đi sang phương Tây, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để gặp gỡ, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lêni, thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giúp giải phóng triệt để dân tộc Việt Nam.
Thứ ba, vượt mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết thực hiện mục tiêu đã định.
Mục tiêu của Hồ Chí Minh khi đi ra nước ngoài là nhằm cứu nước, cứu dân khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Hướng đi là sang phương Tây, nhưng có một thực tế đầy thách thức đặt ra với Người là không có bất kỳ một khoản tài chính bản thân, hoặc sự tài trợ của một tổ chức, cá nhân nào cho chuyến đi. Người chỉ có hai bàn tay trắng. Mặt khác, khi đi ra nước ngoài, Người chỉ có một mình, sau khi người bạn dự định đi cùng đã bỏ cuộc. Một người dân thuộc địa đi ra nước ngoài không có nguồn tài chính, không có bạn bè, người thân đi cùng, đó thực sự là một điều mạo hiểm và có thể làm chùn bước nhiều người. Nhưng đối với Hồ Chí Minh, thách thức này càng làm nổi rõ hơn bản lĩnh của Người.
Một người dân thuộc địa đi ra nước ngoài không có nguồn tài chính, không có bạn bè, người thân đi cùng, đó thực sự là một điều mạo hiểm và có thể làm chùn bước nhiều người. Nhưng đối với Hồ Chí Minh, thách thức này càng làm nổi rõ hơn bản lĩnh của Người. |
Với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, với ý chí “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”(5), từ một thanh niên trí thức xuất thân trong một gia đình trí thức phong kiến, có chỗ đứng nhất định trong xã hội đương thời, Người đã chọn con đường “vô sản hóa” và trở thành một người lao động làm thuê - một thân phận bình thường, thậm chí là thấp kém trong xã hội. Nhưng ở người lao động này, luôn luôn nung nấu hoài bão cứu nước, cứu dân - một hoài bão phi thường. Làm phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, công việc luôn vất vả, cực nhọc suốt từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng mỗi khi xong việc, Người lại tiếp tục đọc hoặc ghi chép đến nửa đêm mới đi nằm. Mục đích không gì khác hơn là để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, từ đó sẽ giúp ích cho đất nước, dân tộc.
Kiên định hành trình thực hiện khát vọng cứu nước, cứu dân, thời gian ở Anh (1913 - 1917), để có thể sinh sống, Hồ Chí Minh phải làm nhiều công việc lao động vất vả: quét tuyết cho một trường học, đốt lò ở trung tâm sưởi ấm của Luân Đôn, rửa nồi chảo, bát đĩa ở nhà bếp khách sạn Cáclơtơn .... Thời gian ở Pháp (1917 - 1923), Người làm nhiều nghề khác nhau để có thể tồn tại và tuy phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng vẫn luôn luôn đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Kiên định mục tiêu cứu nước, cứu dân, nên khi các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp Hội nghị Vécxây (Pháp), với những lời hứa hẹn mở ra hy vọng mới cho các dân tộc thuộc địa về quyền dân tộc tự quyết, Người đã đề xướng việc gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ - một cử chỉ thiện chí, một cách ứng xử hoà bình, “là một kịch bản chấm dứt tình trạng thuộc địa trước công thức: dân chủ về chính trị, rồi độc lập”(6).
Để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, Hồ Chí Minh dù đang sống rất khó khăn đã phải tiết kiệm chi tiêu để dành tiền thuê in Yêu sách ra hàng nghìn bản, đem phân phát rộng rãi trong nhân dân Pháp và gửi về Việt Nam. Bản yêu sách đã không được các nước tham dự hội nghị chấp nhận. Song, nó giúp Người “hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(7). Dù bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết, thậm chí bị Bộ trưởng thuộc địa Anbe Xarô gọi đến gặp, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa, nhưng Người không hề bị khuất phục, mà vẫn kiên định với mục tiêu cứu nước, cứu dân đã chọn.
Thứ tư, lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của dân tộc.
“Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”. - (Tổng Bí thư Lê Duẩn)
|
Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước Việt Nam, từ ngọn cờ Cần Vương đến những chủ trương cứu nước theo con đường dân chủ tư sản, dù từng có lúc diễn ra sôi nổi ở nơi này hay nơi khác, nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Những sự thất bại này khiến phong trào yêu nước Việt Nam chìm trong khủng hoảng, bế tắc về cả đường lối cứu nước và lực lượng lãnh đạo.
Ngày 5/6/1911, khi bắt đầu chuyến hành trình đi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh chắc chắn chưa thể hình dung được việc giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra theo cách thức như thế nào, nhưng có một điều Người biết chắc chắn là ước muốn cháy bỏng của bản thân giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Đó chính là động lực vô cùng to lớn, đồng thời cũng là hành trang đặc biệt quý giá của Người trong hành trình bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia vì lý tưởng hết sức cao đẹp, nhân văn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và đầy gian nan, vất vả.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhất là những năm tháng sống ở châu Âu, Hồ Chí Minh đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng trên thế giới. Trên cơ sở lấy tự do, hạnh phúc cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc làm lẽ sống và làm thước đo giá trị để khảo nghiệm các trào lưu tư tưởng thế giới, Người đã gạn lọc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh là chặng đường mà Người đã đi là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”(8).
Hồ Chí Minh khâm phục cách mạng Mỹ với cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (1776) giành được thắng lợi và lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; khâm phục cuộc cách mạng Pháp (1789) làm rung chuyển châu Âu đang bị thống trị bởi chế độ chuyên chế trung cổ. Nhưng, Hồ Chí Minh cũng phát hiện ra rằng, đây là “những cuộc cách mạng không đến nơi”, bởi những khẩu hiệu mỹ miều, những thành quả của các cuộc cách mạng này chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một thiểu số những người giàu - giai cấp tư sản, còn giai cấp công nhân và những người lao động khác vẫn phải sống trong cảnh nghèo khổ. Về bản chất, các cuộc cách mạng này chỉ thay đổi chế độ bóc lột cũ bằng chế độ bóc lột mới tinh vi hơn, hiện đại hơn.
Điều quan trọng hơn là bằng năng lực quan sát và phân tích rất tinh tế, Hồ Chí Minh nhận thấy rằng giai cấp tư sản ở Mỹ và Pháp đã vứt bỏ những tư tưởng tốt đẹp của các cuộc cách mạng và quay sang áp bức những người lao động chính quốc, từng một thời là đồng minh cách mạng và tiến hành các cuộc chiến tranh nhằm nô dịch, cướp đoạt, vơ vét sức người, sức của ở các nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Người thấy đó không phải là con đường Người lựa chọn và cũng không thể là con đường dân tộc sẽ đi.
Mặt khác, thời điểm Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, trong phong trào công nhân thế giới cũng tồn tại những trào lưu tư tưởng khác nhau trong giai cấp công nhân, trong đó đặc biệt là tư tưởng của tầng lớp “công nhân quý tộc” và các “nghiệp đoàn vàng”. Đó thực chất là tư tưởng của những phần tử cơ hội, nhân danh giai cấp công nhân để xét lại học thuyết Mác, thậm chí cổ vũ, hối thúc giai cấp công nhân mỗi nước tham gia ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa 1914 - 1918.
Có thể nói, nếu không được trang bị một vốn văn hóa nhất định, không có sự tỉnh táo xem xét và hiểu đúng các trào lưu tư tưởng, hay nói cách khác là nếu không có bản lĩnh, trước hết là bản lĩnh văn hóa, chắc chắn không dễ phân biệt thật giả.
Giữa nhiều trào lưu tư tưởng của thế giới khi đó, Hồ Chí Minh đã biết phát hiện ra và tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”. Khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (tháng 7/1920), Người đã “vui mừng đến phát khóc lên” và nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(9). Từ đó, Người quyết định bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Trong khi đó, những người Việt Nam khác, dù cũng rất giàu lòng yêu nước, thương dân và từng sống nhiều năm ở Pari - thủ đô nước Pháp, như nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, nhưng chưa nhìn ra được giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhân tố cơ bản tạo nên sự khác biệt này chính là trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa thấy rộng của Hồ Chí Minh, một tầm nhìn vượt trước thời đại, hơn hẳn rất nhiều người cùng thời. Với trí tuệ và tầm nhìn đó, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng cho bản thân và cũng là con đường đúng cho toàn thể dân tộc. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh yêu nước và đoàn kết của đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, để đánh đuổi giặc ngoại xâm, rồi đi tới xây dựng một xã hội mới mang lại hạnh phúc, ấm no thực sự cho mọi người dân, một xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ "Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới"(10).
Nhìn lại 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, càng thấm nhuần tầm vóc vô cùng lớn lao và ý nghĩa trọng đại của sự kiện này đối với sự nghiệp giải phóng và phát triển của dân tộc, càng cảm phục, tri ân sâu sắc công lao vĩ đại của Người. Với lòng yêu nước nhiệt thành và bản lĩnh phi thường, vượt lên những khó khăn, thách thức của hoàn cảnh và những định kiến đương thời, Hồ Chí Minh đã quyết chí đi tìm và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc - con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bản lĩnh của Người chính là sự kết tinh và nâng tầm bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới để đáp ứng yêu cầu lịch sử dân tộc đặt ra. Đó là minh chứng sinh động, là biểu tượng cho sức mạnh vô cùng to lớn của truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, của ý chí độc lập, tự do, tinh thần nhân ái và trí tuệ Việt Nam để đương đầu và vượt lên những thách thức hiểm nghèo của lịch sử.
Bản lĩnh của Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước là bài học mẫu mực cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tấm lòng son sắt vì nước, vì dân, sẵn sàng cống hiến, không quản gian khổ, hy sinh, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết và trước hết “lấy độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng phấn đấu của cuộc đời”. |
Bản lĩnh của Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước là bài học mẫu mực cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tấm lòng son sắt vì nước, vì dân, sẵn sàng cống hiến, không quản gian khổ, hy sinh, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết và trước hết “lấy độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng phấn đấu của cuộc đời”. Đó cũng là bài học sâu sắc về tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết bỏ qua những lối mòn, những yếu tố không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế; đồng thời chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa giá trị của dân tộc và nhân loại, từ đó vận dụng và bổ sung, phát triển trong điều kiện cụ thể, lấy kết quả thực tiễn phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm, đánh giá. Đây là những bài học vẫn mang giá trị thời sự sâu sắc trong công cuộc đổi mới hiện nay./.
PGS. TS. LÝ VIỆT QUANG
----------------------------------------
(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.1, tr. 30.
(2) (3) (4) (5) (7) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Văn học, H, 2001, tr. 10, 15, 15, 11, 30
(6) Daniel Hémery: Hồ Chí Minh - Từ Đông Dương đến Việt Nam, (Lê Toan biên dịch), Nxb. Phụ nữ, H, 2004, tr. 29.
(8) Phan Ngọc Liên: Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, tr. 178.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2011, t.12, tr. 562.
(10) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, trích trong Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, Nxb. Sự Thật, H, 1979, tr 79.
Nguồn: tuyengiao.vn
- Phát biểu kết luận của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai Kết luận số 19-KL/TW (04.11.2021)
- Phụ nữ Đại học CSND thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ nhiệm kỳ 2021 - 2026 (02.11.2021)
- Vì một hành tinh xanh, vì một không gian sinh tồn bền vững, hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau (02.11.2021)
- Tọa đàm trực tuyến Trách nhiệm pháp lý đối với vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 (30.10.2021)
- Bộ Công an trao tặng bằng khen cho hai Trường Đại học CSND và Đại học ANND (28.10.2021)
- Họp mặt các lực lượng CAND tham gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức (28.10.2021)
- Tổng kết Cuộc thi đại sứ văn hoá đọc trong CAND năm 2021 (25.10.2021)
- Trường Đại học CSND hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 (23.10.2021)
- “Phụ nữ Đại học CSND đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” (22.10.2021)