Ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự gồm 55 điều, 07 chương. Đây là một trong những sự kiện chính trị - pháp lý rất quan trọng.
Luật Phòng thủ dân sự là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Luật Quốc phòng, đồng thời việc xây dựng luật sẽ góp phần pháp luật hóa đường lối, quan điểm của Đảng được thể hiện qua các nghị quyết như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị; đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là “khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự… đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.
Mặt khác, việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước cũng như trong hợp tác quốc tế. Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định, có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự. Trong khi đó, nước ta nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hậu quả thiên tai, mưa bão, hạn hán, cháy rừng hết sức nghiêm trọng... Vì vậy, nếu làm tốt công tác phòng thủ dân sự sẽ là một nhân tố quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời cũng là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại khoản 1, điều 2 của Luật đã quy định: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.” Luật Phòng thủ dân sự có những nội dung cơ bản như sau:
Chương 1, Phần những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, áp dụng pháp luật, chính sách của Nhà nước... thông tin, cấp độ, hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự...
- Về phạm vi, Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
- Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự được quy đinh tại Điều 3, gồm những nguyên tắc như:
+ Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.
+ Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự.
+ Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.
+ Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hộ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Chương 2, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự, từ điều 11 đến điều 30 của luật, gồm các nội dung cơ bản như:
- Về hoạt động phòng ngừa đã quy định các vấn đề rất quan trọng về xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự. Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi xảy ra sự cố, thảm họa, chiến tranh. Đồng thời quy định rõ về cơ sở và nội dung xây dựng chiến lược quốc gia tại khoản 2, 3 điều 11.
+ Về Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự (Điều 12), nội dung kế hoạch phải bao gồm như:
- Đánh giá đặc điểm dân sinh, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, tình hình phát triển của các ngành kinh tế và cơ sở hạ tầng; Dự báo các tình huống sự cố, thảm họa có thể xảy ra;
- Xác định các biện pháp có thể được áp dụng tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự; xác định nội dung phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương; xác định nguồn lực, tiến độ hằng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng thủ dân sự; xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, từ Điều 13 đến Điều 17 của Luật cũng đã quy định chi tiết về Công trình phòng thủ dân sự, trang thiết bị phòng thủ dân sự, hoạt động theo dõi, giám sát nguy cơ về sự cố, thảm họa; Tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự; Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập phòng thủ dân sự.
- Về hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa được quy định tại Mục 2, các Điều 18, 19 với một số nội dung cơ bản như:
+ Biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp quy định tại các luật khác có liên quan và biện pháp: Hướng dẫn và thực hiện sơ tán người, tài sản đến khu vực an toàn; bảo đảm phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người tại địa điểm sơ tán; Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hạn chế người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chuyên trách tiếp cận hiện trường để kịp thời tiến hành các biện pháp ứng phó với sự cố, thảm họa; Tạm dừng một số hoạt động có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa hoặc giảm hiệu quả các biện pháp ứng phó với sự cố, thảm họa; Chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa.
+ Chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, công tác chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị bao gồm: Rà soát, điều chỉnh kế hoạch, xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó với sự cố, thảm họa; Kiểm tra trang thiết bị hiện có; bổ sung trang thiết bị cho các khu vực trọng yếu ...Tăng cường lực lượng trực, triển khai trước một bộ phận ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
+ Hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra sự cố, thảm họa, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 20); Thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản (Điều 21); Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1 (Điều 22); Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 (Điều 23); Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 3 (Điều 24); Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp (Điều 25) và Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh(Điều 16).
+ Hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được quy định tại mục 4 các điều 27, 28, 29, 30.
Chương 3, quy định về Chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự từ Điều 31 đến Điều 35 của Luật Phòng thủ dân sự, có các nội dung cơ bản như:
- Về Hoạt động chỉ đạo phòng thủ dân sự, (Điều 31) quy định:
+ Theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; nắm chắc diễn biến tình hình; thông báo cho các lực lượng, người dân tin tức có liên quan. Xác định cấp độ và áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp. Chuẩn bị phương án ứng phó; tổ chức kiểm tra địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa.
+ Bổ sung lực lượng, sẵn sàng triển khai sở chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo trực tiếp khu vực trọng yếu, địa bàn trọng điểm. Kiểm tra địa điểm sơ tán, tập kết để sẵn sàng sử dụng khi chuyển lên cấp độ phòng thủ dân sự cao hơn.
- Về Thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu, tính khả thi và hợp lý trong chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự, tại Điều 32 của luật đã quy định về thẩm quyền của các cấp cụ thể như sau
+ Chính phủ chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.
+ Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng thủ dân sự.
+ Các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
+ Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Về Chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự; Lực lượng phòng thủ dân sự được quy định chi tiết tại các điều 33, 34, 35.
Chương 4, quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự
Mặc dù lần đầu tiên được ban hành, nhưng luật Phòng thủ dân sự đã tiếp cận và quy định khoa học, đầy đủ về quyền, nghĩa theo hướng chia làm ba nhóm chủ thể vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ như sau:
- Về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân ( Khoản 1, Điều 36)
+ Cá nhân có các quyền sau đây: Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật; Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật; Được hưởng tiền công lao động khi tham gia hoạt động phòng thủ dân sự theo quyết định huy động của người có thẩm quyền;
Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật; Khi tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa nếu bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì được xem xét, hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Phòng thủ dân sự.
+ Cá nhân có các nghĩa vụ sau đây: Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương; Tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tham gia hoạt động phòng thủ dân sự khi được huy động; Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa; Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi sự cố, thảm họa xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống sự cố, thảm họa; giúp đỡ người bị thiệt hại do sự cố, thảm họa tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc; Chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra, vào khu vực nguy hiểm; chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, tài sản để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của người có thẩm quyền; Thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về diễn biến, thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra khi có điều kiện thực hiện.
- Về Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức
+ Cơ quan, tổ chức có các quyền sau đây: Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động phòng thủ dân sự tại địa phương; Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật; Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật; tham gia, phối hợp thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng thủ dân sự.
+ Cơ quan, tổ chức có các nghĩa vụ sau đây: Tuyên truyền, vận động người lao động, thành viên trong cơ quan, tổ chức mình, người dân chấp hành quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; Chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa; Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; Chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự; Chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi quản lý; Chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại khi để xảy ra sự cố, thảm họa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
- Về Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế ( Điều 39)
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa tại Việt Nam có các quyền sau đây: Được miễn thuế, lệ phí về nhập khẩu, xuất khẩu đối với trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định của pháp luật về thuế, lệ phí; Được ưu tiên thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú cho lực lượng; nhập khẩu, xuất khẩu đối với trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động cứu trợ, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: Đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; Hoạt động đúng mục đích đã đăng ký, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 36, Điều 37, khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Chương 5, quy định về nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự từ điều 39 đến điều 41. Trong đó quy định các vấn đề về: Nguồn lực cho phòng thủ dân sự ( điều 39); Quỹ phòng thủ dân sự ( điều 40); Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự (điều 41).
Chương 6, quy định về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự
Điều 42 quy định về Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự. Nội dung chương này cũng quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của một số cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước về tổ chức phòng thủ dân sự, như trách nhiệm của Bộ Quốc phòng điều 43; Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều 45; Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải...
Trong đó, trách nhiệm của Bộ Công an được quy định tại điều 44 của Luật, cụ thể:
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố cháy lớn; ứng phó sự cố an ninh mạng.
- Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự trong Công an nhân dân; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương đấu tranh với hoạt động lợi dụng sự cố, thảm họa để gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Tác giả: Nguyễn Quốc Khánh
- Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng (29.04.2021)
- Những dấu hiệu cho thấy nhiễm COVID-19 chủng mới (27.04.2021)
- Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (18.04.2021)
- Đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ mới (12.04.2021)
- Giờ Trái đất 2021: Lên tiếng vì thiên nhiên (12.04.2021)
- Tòa án nhân dân tối cao công bố 4 án lệ mới (12.04.2021)
- Học tập và làm theo phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước (11.04.2021)
- Tìm hiểu biện pháp Tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong Luật Hình sự hi (29.01.2021)
- Hội thảo khoa học về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND với C10 - Bộ Công an và cá (18.12.2020)