Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005, được ban hành ngày 29.11.2005 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, có hiệu lực thi hành ngày 01.3.2006. Luật Giao dịch điện tử được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế.
Sau gần 20 năm thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời Luật GDĐT cùng với các luật chuyên ngành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các bộ, ngành và địa phương triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động dân sự và đặc biệt trong thương mại. Luật được xem là yếu tố tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn sau gần 20 năm thực hiện Luật GDĐT cho thấy đang tồn tại một số bất cập như: các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; thiếu quy định trong Luật GDĐT về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về “bản gốc”, “bản chính”, “bản sao” trong pháp luật truyền thống; các vấn đề quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử. Mặt khác, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Luật còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử... Theo ý kiến một số chuyên gia, Luật GDĐT 2005 cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý, trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng, gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân…
Từ đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005 là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử; phát triển giao dịch điện tử toàn diện bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.
Xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, ngày 22.6.2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 Luật Giao dịch điện tử 2023 gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Luật Giao dịch điện tử 2023 kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử 2005, với những điểm mới cơ bản sau:
Ảnh minh hoạ
Thứ nhất, sửa đổi trường hợp áp dụng Luật Giao dịch điện tử
Hiện nay, tại khoản 3 Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định, trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của Luật đó.
Hiện hành tại Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định trường hợp áp dụng Luật Giao dịch điện tử như sau: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Giao dịch điện tử với quy định của luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến giao dịch điện tử thì áp dụng quy định của Luật Giao dịch điện tử.
Thứ hai, Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm trong giao dịch điện tử
Cụ thể, tại Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như chữ ký điện tử, chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử, dữ liệu số, dữ liệu chủ, môi trường điện tử, chứng thư điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số, người trung gian… đơn cử như sau:
- Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lôgíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.
- Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
- Dấu thời gian là dữ liệu điện tử gắn với thông điệp dữ liệu cho phép xác định thời gian của thông điệp dữ liệu đó tồn tại ở một thời điểm cụ thể.
Thứ ba, Sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Hiện nay, các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử được quy định tại Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 bao gồm:
- Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
- Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
- Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
- Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
- Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật. (Hiện hành Hiện hành tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cản trở việc lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử; Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận thông điệp dữ liệu; Thay đổi, xoá, huỷ, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; Tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử; Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác.)
Thứ tư, Bổ sung điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu như sau: Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:
- Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;
- Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;
- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;
- Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023 và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.
Thứ năm, Các yêu cầu để chữ ký số là chữ ký điện tử
Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Đồng thời, bổ sung quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải chữ ký điện tử để phù hợp với thực hiện triển khai. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài; chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Một trong những điều kiện quan trọng được quy định là chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài phải cập nhật trạng thái của chứng thư điện tử nước ngoài vào hệ thống chứng thực dịch vụ tin cậy của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định chữ ký số là chữ ký điện tử đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:
- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký;
- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;
- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.
Thứ sáu, Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử
Nhằm khắc phục những bất cập của việc xác định giá trị pháp lý về chứng thư điện tử trong Luật 2006, hiện nay tại Điều 19 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định giá trị pháp lý của chứng thư điện tử như sau:
Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:
- Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023;
- Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;
- Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.
- Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ bảy, Bổ sung dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử
Cụ thể, Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định Dịch vụ tin cậy như sau:
- Dịch vụ tin cậy bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian; Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Tổ chức được quyền đăng ký một hoặc các dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023. Thời hạn của giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại phải đáp ứng điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử và điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy theo quy định tại Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử 2023.
- Chính phủ quy định chi tiết hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, gia hạn, thay đổi, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy và các nội dung khác quy định tại Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023.
Nguyễn Quốc Khánh (Tổng hợp)
- Nâng cao mối quan hệ phối hợp trong đảm bảo ANTT giữa Trường Đại học CSND với Công an, chính quyền địa phương nơi trường đóng quân (29.11.2023)
- Trưởng phòng nghiệp vụ của CAND được xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 1/1/2024 (29.11.2023)
- Thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), bổ sung hạ sĩ quan lực lượng vũ trang được thuê nhà ở công vụ (28.11.2023)
- Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với ND (22.11.2023)
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ AN,TT ở cơ sở củng cố sức mạnh, bảo vệ vững chắc AN,TT ở cơ sở (22.11.2023)
- Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (22.11.2023)
- Nâng cao hiệu quả công tác Vận động quần chúng phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số của Lực lượng Công an cơ sở tỉnh ĐắkLắk (18.11.2023)
- Đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai (17.11.2023)
- Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (10.11.2023)