2. Hệ thống tố tụng điện tử
a. Khái niệm
Ở Hàn Quốc, tố tụng điện tử được hiểu là thủ tục tố tụng sử dụng hệ thống điện toán, trong đó đương sự hoặc người đại diện của đương sự có thể gửi đơn khởi kiện hay tài liệu, chứng cứ bằng văn bản điện tử và phía Tòa án cũng có thể tống đạt bản án, quyết định bằng văn bản điện tử và thông báo ngày mở phiên tòa, phiên họp bằng hình thức điện tử[3].
Đơn khởi kiện và tài liệu đính kèm, văn bản trả lời đơn, văn bản chuẩn bị tranh tụng, bản án, quyết định của Tòa án, tống đạt đều được thực hiện thông qua hình thức điện tử.
Tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hôn nhân gia đình, tố tụng sáng chế, yêu cầu dân sự: Tiến hành thủ tục tố tụng từ nộp đơn khởi kiện đến khi ra bản án đều bằng hình thức điện tử (nộp và tiếp nhận đơn khởi kiện, phân công án, nộp văn bản chuẩn bị tranh tụng, tài liệu chứng cứ, thông báo phiên tòa, tiến hành phiên tòa, lệnh, bản án, kháng cáo đều được thực hiện thông qua hình thức điện tử.
Hiệu quả của tố tụng điện tử: Tiết kiệm thời gian, chi phí, lập hồ sơ dễ dàng, giảm không gian và lượng công việc, chia sẻ thông tin tố tụng theo thời gian thực, thủ tục xét xử thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả công việc, loại bỏ thủ tục không cần thiết, tăng cường tính minh bạch, tăng tính tiện lợi cho người dân và nâng cao sự tin tưởng của người dân vào lĩnh vực tư pháp.
b. Cấu trúc hệ thống tố tụng điện tử
- Tỷ lệ tố tụng điện tử đối với vụ án dân sự sơ thẩm:
Thống kê cho thấy tỷ lệ tố tụng điện tử liên tục gia tăng từ 14,9% trong thời gian đầu áp dụng tố tụng điện tử lên 76,8% vào năm 2018.
c. Thủ tục tố tụng điện tử
- Nộp đơn khởi kiện trực tuyến:
+ Tủ hồ sơ: Tủ hồ sơ gồm có hồ sơ dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, sáng chế, phá sản, thi hành án dân sự, việc dân sự, phí phạt. Trong mục tủ hồ sơ còn hiển thị nội dung như lịch sử nộp…
+ Đơn khởi kiện: Người nộp đơn cần nhập thông tin về yêu cầu khởi kiện, căn cứ khởi kiện và gửi kèm theo các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Sau khi hoàn thiện hồ sơ gồm đầy đủ tài liệu chứng cứ, lưu vào hộp đơn khởi kiện.
+ Sau khi hoàn thiện đơn khởi kiện, nhấp chuột vào mục “người dùng đồng ý”, đồng thời nhấp chuột vào ô với nội dung “Tôi đồng ý sử dụng hệ thống tố tụng điện tử để xử lý vụ việc này”. Đồng thời, cung cấp chữ ký điện tử.
+ Thanh toán chi phí tố tụng gồm: tạm ứng án phí, phí tống đạt... Nguyên đơn có thể nộp bằng hình thức chuyển khoản, giá trị nhỏ có thể thanh toán qua phần mềm điện thoại.
+ Sau khi đương sự kết thúc việc nộp hồ sơ sẽ được hệ thống cung cấp mã số tiếp nhận, mã số vụ án, ngày tiếp nhận và đương sự có thể in ra giấy tiếp nhận.
- Cấp, tống đạt văn bản tố tụng:
Toà án Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống tống đạt điện tử hồ sơ, giấy tờ tố tụng liên quan cho các bên đương sự. Hình thức tống đạt bằng tin nhắn điện thoại và thư điện tử. Ngày thông báo là ngày mà đương sự xác nhận tại hệ thống tố tụng điện tử. Thời gian quá một tuần kể từ ngày tống đạt mà đương sự không xác nhận thì được xem như đã nhận được thông báo.
Hồ sơ tố tụng điện tử được lưu trên hệ thống tố tụng điện tử. Hệ thống này giúp giảm thiểu công việc, tiết kiệm thời gian cho nhân viên Tòa án.
3. Hệ thống xét xử trực tuyến
a. Phòng xử án điện tử
Ứng dụng hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ cho việc xét xử các vụ án hình sự và các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại đơn giản. Theo đó các phòng xét xử của các Tòa án được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin như: hệ thống truyền hình trực tuyến với nhiều camera chất lượng siêu nét; hệ thống máy tính màn hình cảm ứng hiển thị thông tin cho bàn chủ tọa; hệ thống máy chiếu để chiếu hình ảnh chứng cứ, các tài liệu lên màn hình lớn; hệ thống chuyển đổi giọng nói thành chữ viết hiển thị lên màn hình lớn để những người tham dự phiên tòa theo dõi và đồng thời sử dụng làm biên bản phiên tòa lưu trong hồ sơ vụ án.
- Phòng xử án điện tử được bố trí máy tính ở mỗi vị trí của Thẩm phán có thể xem được mọi thông tin liên quan đến vụ án: xác nhận văn bản chứng cứ mới được giao nộp…
- Phòng xử án điện tử hiện đại hóa thiết bị hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường tranh tụng cho kiểm sát viên, luật sư, cụ thể:
+ Cung cấp chức năng chia sẻ hình ảnh trên máy tính cá nhân.
+ Kết nối với ổ cắm kỹ thuật số HDMI.
+ Chia sẻ hình ảnh chất lượng cao, hạn chế tình trạng kết nối chậm tại phiên tòa.
+ Tương thích với hệ điều hành Window, MacOS.
- Cung cấp chức năng chia sẻ hình ảnh từ thiết bị di động như máy tỉnh bảng, điện thoại di động.
+ Chia sẻ hình ảnh từ các thiết bị di động thuộc hệ điều hành khác nhau như IOS, Android…
+ Chia sẻ hình ảnh với thao tác đơn giản, không cần cài đặt ứng dụng.
+ Tính bảo mật cao vì không kết nối trực tiếp với hệ thống mạng của Tòa án.
b. Phiên tòa xét xử trực tuyến
Phiên tòa trực tuyến chỉ áp dụng trong các trường hợp sau:
- Thẩm vấn nhân chứng từ xa không thể có mặt tại phiên toà như nhân chứng đang ở nước ngoài… trong vụ án dân sự, hình sự;
- Các phiên họp chuẩn bị cho việc mở phiên tòa trong thủ tục tố tụng dân sự, hình sự, hành chính;
- Các vụ án dân sự có giá trị tranh chấp nhỏ tại các Tòa án cấp quận/huyện. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có vụ án nào được xét xử theo hình thức này.
Do vậy, có thể nói rằng, hiện nay Hàn Quốc vẫn chưa áp dụng hình thức xét xử trực tuyến. Điều này là do ảnh hưởng của văn hóa xét xử và quy định pháp luật bắt buộc họ phải có mặt tại phiên tòa.
Các mục tiêu của phiên xét xử trực tuyến:
- Trung thực hóa việc xác minh chứng cứ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân chứng ở xa có mặt tại phiên tòa.
- Tránh tình trạng mở phiên tòa không đạt được kết quả.
- Phản ánh trung thực lời làm chứng của chuyên gia nước ngoài.
- Tiết kiệm chi phí trong hoạt động tố tụng như chi phí đi lại của nhân chứng…
c. Hệ thống giám sát Thẩm phán
Phần mềm giám sát Thẩm phán được thiết kế trên cơ sở căn cứ theo bộ các tiêu chí đánh giá chất lượng Thẩm phán, liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý án và phần mềm quản lý công chức; lấy Thẩm phán làm vị trí trung tâm nên việc giám sát, đánh giá Thẩm phán được thực hiện hoàn toàn tự động mà không cần phải nhập liệu cho phần mềm này.
Thông qua phần mềm này, lãnh đạo Tòa án hoặc Thẩm phán có thể nắm bắt nhanh các thông tin chi tiết của Thẩm phán như: sơ yếu lý lịch; kê khai tài sản, thu nhập; đạo đức, lối sống, việc chấp hành quy tắc ứng xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo và theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng Thẩm phán (trong đó có nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ án); kết quả thi đua, khen thưởng… Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn nhất định, phần mềm sẽ đưa ra thông báo tạm đánh giá chất lượng Thẩm phán, tự động gửi đến lãnh đạo Tòa án và từng Thẩm phán để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo; Thẩm phán biết mình đang được xếp hạng ở mức nào, bị hạ điểm ở những tiêu chí đánh giá nào để có phương án phấn đấu khắc phục. Đến cuối năm, phần mềm sẽ đưa ra đánh giá chính thức đối với từng Thẩm phán để làm cơ sở cho việc suy tôn các Thẩm phán mẫu mực, tiêu biểu.
d. Trung tâm phục vụ tố tụng của Tòa án
Với mục tiêu “không khoảng cách, không trở ngại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân”, Tòa án Hàn Quốc đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ tố tụng bao gồm:
- Tổng đài phục vụ tố tụng cho người dân nhằm giúp người dân có thể liên hệ để tra cứu hồ sơ, tư vấn pháp lý, nộp đơn khởi kiện trực tuyến, hoặc liên hệ trực tiếp với Thẩm phán để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến vụ án. Ngoài ra, Tòa án cũng thông qua hệ thống này để tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng để người dân biết.
- Tổng đài phục vụ luật sư để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các luật sư trong việc giải quyết các vụ án.
đ. Hệ thống quản lý án điện tử
- Hệ thống này cho phép quản lý, theo dõi tiến trình thụ lý, giải quyết các loại vụ án, cụ thể là điện tử hóa tất cả các vụ án để phục vụ cho công tác quản lý vụ án. Tức là không chỉ đối với các vụ án tố tụng điện tử mà các vụ án không được điện tử hóa hồ sơ cũng có nhiều thông tin được điện tử hóa dưới nhiều hình thức. Các thông tin liên quan đến đương sự, ngày tiếp nhận của từng hồ sơ, đã tống đạt hay chưa và ngày giờ tống đạt, kết quả tiến hành xét xử.
Những thông tin được điện tử hóa này được lưu trong tủ hồ sơ điện tử. Trong tủ hồ sơ, các giai đoạn tiến hành tố tụng được phân ra thành nhiều bước để quản lý. Mỗi khi có vụ việc phát sinh, vụ án tự động được phân loại.
Ví dụ, trường hợp vụ án dân sự đơn giản mà bị đơn đã được tống đạt đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo nhưng trong vòng 30 ngày không phản hồi thì Tòa án sẽ không mở phiên tòa theo thủ tục thông thường (phiên tòa tranh luận). Trong trường hợp này, bản án được soạn thảo dựa trên yêu cầu và chứng cứ do một bên nguyên đơn cung cấp rồi tuyên án theo thủ tục đơn giản (phán quyết không tranh luận).
- Thông qua việc sử dụng lịch trình xét xử, hội đồng xét xử có thể dễ dàng quản lý, chỉ định ngày xét xử, đồng thời có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về vụ án, thông tin tống đạt, thông tin thay đổi ngày xét xử, đăng ký liên lạc công việc, đăng ký thông báo vụ án...
- Thông qua tra cứu thông tin tống đạt theo từng vụ án, có thể kiểm tra cả bản báo cáo tống đạt, giúp cán bộ Tòa án dễ dàng trong việc xác nhận hồ sơ tố tụng và giấy triệu tập nhân chứng đã được tống đạt hay chưa. Tòa án cũng có thể xác nhận cuối cùng về việc đã tống đạt hay chưa ngay tại phiên tòa.
- Đối với vụ án xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ của tố tụng điện tử: Tòa án sử dụng các thiết bị điện tử để trình chiếu các văn bản chứng từ hay hồ sơ tố tụng do đương sự đưa ra. Đương sự có thể dùng bút lazer hay chỉ trực tiếp lên máy chiếu màn hình để biện luận. Theo đó, hội đồng xét xử và các bên đương sự có thể tranh luận một cách sinh động trước Hội đồng xét xử.
- Đối với vụ án được xét xử trực tuyến thông qua hệ thống tố tụng điện tử: Hồ sơ điện tử được xem trên màn hình máy tính, đương sự có thể trực tiếp điều chỉnh văn bản chứng từ hay hồ sơ tố tụng đã được điện tử hóa, cùng với chứng cứ hình ảnh động được chuẩn bị, có thể chiếu lên màn hình thông qua máy chiếu. Chủ tọa phiên tòa cũng có thể thực hiện công việc này ở bản xét xử cùng một phương thức như trên.
Bên cạnh đó, chủ tọa cũng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu tư pháp của Tòa án tối cao hay còn gọi là “Thông tin pháp luật tổng hợp” để tra cứu các án lệ, luật... và có thể chiếu nội dung này lên màn hình.
Ngoài ra, chủ tọa và đương sự cũng có thể sử dụng ở Tòa án các tư liệu được tìm kiếm qua Internet. Ví dụ về bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ án tai nạn giao thông, các bên có thể biện luận bằng thông qua hình ảnh trình chiếu về con đường, hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Bằng phương pháp này có thể tránh được những tranh luận không đáng có, đảm bảo sự thật khách quan của vụ án.
- Thông qua thiết bị giám sát (camera) được lắp đặt tại Tòa án, có thể ghi lại diễn biến phiên tòa, micro được đặt tại các vị trí ghế ngồi của phòng xử án. Các thiết bị này được Thẩm phán, các bên đương sự giám sát thông qua phần mềm được cài đặt tại máy tính của từng người.
e. Hệ thống phân công Thẩm phán giải quyết các vụ án ngẫu nhiên
Thủ tục phân công Thẩm phán giải quyết vụ án được thực hiện bởi phần mềm phân công Thẩm phán giải quyết án ngẫu nhiên. Mô hình mới này sẽ hạn chế việc gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và củng cố nguyên tắc độc lập và vô tư, khách quan của Thẩm phán.
Mô hình điện tử thực hiện việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án như sau: Sau khi nhận đơn khởi kiện, cán bộ Phòng tiếp dân hoặc cán bộ Văn phòng sẽ ghi vào sổ theo dõi điện tử. Sau đó, cán bộ này sẽ mở chương trình tự động phân công giải quyết vụ án. Chương trình này sẽ có các tiêu chí về tính phức tạp của vụ án, khối lượng công việc của Thẩm phán, loại vụ án để cán bộ Tòa án đánh dấu trước khi máy tính tự động thực hiện việc phân công. Tính phức tạp của vụ án được đưa ra dựa vào các chỉ số cụ thể; ví dụ: Đối với vụ án dân sự thì các chỉ số đó là giá trị tranh chấp, số lượng đương sự…
Ưu điểm của mô hình này được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, loại trừ những ảnh hưởng chủ quan đến việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Thứ hai, rút ngắn thời gian từ khi nhận đơn đến khi giao cho Thẩm phán giải quyết.
Thứ ba, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra Thẩm phán giải quyết, giai đoạn giải quyết và thời gian giải quyết vụ án.
Thứ tư, tiết kiệm thời gian cho Chánh án trong việc phân công Thẩm phán và ghi vào sổ phân công Thẩm phán.
g. Công khai lịch phiên tòa, phiên họp
Lịch phiên tòa, phiên họp được công bố công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở của Tòa án và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tòa án đó. Việc đưa lịch phiên tòa, phiên họp lên trang thông tin điện tử giúp cho người dân có thể dễ dàng biết được vụ án của mình được xét xử vào ngày nào mà không cần thiết phải đến trụ sở Tòa án, hạn chế được việc tiêu tốn thời gian, công sức của các đương sự. Ngoài ra, còn áp dụng thủ tục thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên tòa thông qua việc gửi tin nhắn (trong trường hợp được sự đồng ý trước của đương sự).
h. Về hệ thống phần cứng phục vụ cho việc triển khai các hệ thống phục vụ tố tụng điện tử
Hệ thống Trung tâm dữ liệu riêng của Toà án với hệ thống máy chủ lên đến hàng trăm chiếc; hệ thống tường lửa hiện đại có khả năng chống lại các cuộc tấn công của tin tặc; hệ thống lưu trữ dung lượng siêu lớn lên đến hàng trăm TB; hệ thống nguồn điện dự phòng; hệ thống điều hoà nhiệt độ…; ngoài ra, Toà án Hàn Quốc cũng xây dựng được Trung tâm dữ liệu dự phòng đặt ở một nơi cách xa Trung tâm dữ liệu chính để phòng ngừa thảm hoạ do thiên tai, tấn công mạng…
Việc kết nối giữa các Toà án với Trung tâm dữ liệu được thực hiện thông qua hệ thống mạng WAN dành riêng cho hệ thống Toà án nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin dữ liệu.
---------------------
[3] Tòa án nhân dân tối cao, Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyền (Phụ lục 03: Tài liệu tham khảo về Tòa án điện tử của Hàn Quốc), Hà Nội, năm 2021, trang 06
Tác giả: Trần Ngọc Đức – Nguyễn Nhất Vũ
- Cần làm gì trước các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo bằng hình thức thông báo (20.03.2023)
- Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (18.03.2023)
- Nhận diện âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số (16.03.2023)
- Cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16.03.2023)
- Tập huấn công tác nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An (10.03.2023)
- 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch HCM (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tư tưởng HCM về thi đua yêu nước (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (24.02.2023)
- Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam từ ngày 1/3/2023 (23.02.2023)