Chẳng biết từ bao giờ mà nghề giáo được người ta ví với nghề đưa đò. Những chuyến đò âm thầm chở từng lớp người, từng lớp học trò ngày ngày đến bến bờ tri thức. Trên con đường đó, không phải lúc nào cũng được suôn sẻ, đôi khi là sóng dữ, là trở ngại. Thế nhưng, vì tình thương yêu bao la của chính mình như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim đã giúp người đưa đò vững tay chèo, tiếp tục cầm lái. Không rõ ai đã nghĩ ra cách so sánh ấy, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng cách so sánh ấy đúng và sâu sắc. Từ xưa đến nay, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới thì giáo dục luôn luôn là một trong những điều được coi trọng hàng đầu. Dân gian ta có câu: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” cho thấy tầm quan trọng của những người thầy, người cô có thể coi như là ngang hàng với cha mẹ mình. Đối với nhà giáo, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”1. Chính vì vậy mà từ xưa cho đến nay thì nghề giáo luôn là một nghề rất cao quý, được mọi người coi trọng. Đây vừa là cái nghề, vừa là cái tâm mang tính nhân văn của người làm nghề giáo. Chính các thầy cô là những người truyền cảm hứng, là những người xây dựng tri thức và nhân cách cho chúng ta, dạy chúng ta khôn lớn thành người. Bác Hồ viết: “ Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”#_ftn1 [1] #_ftn2 [2]. Yêu người, yêu nghề và yêu trò chính là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng đầu tiên của những người làm công tác giáo dục. Bởi vì đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi thầy, cô giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Bác Hồ khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”#_ftn3 [3]. Thầy cô hằng ngày vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ cao quý là chở những người học sinh đi qua con sông tri thức để tiến tới một chân trời mới, tiến tới một bến bờ khác mà chúng ta phải tự đi bằng chính đôi chân của mình. Thế nhưng, khi sang bến bờ mới ấy, chúng ta không hề đơn độc khi hành trang mà chúng ta mang theo đã là cả một bầu trời tri thức mà thầy cô ân cần dạy bảo trên chuyến đò những của ngày tháng năm ấy. Không chỉ có kiến thức, mà ngay cả cách đối nhân xử thế, cách học “làm người” chúng ta cũng được thầy cô chỉ bảo tận tình. Trải qua biết bao nhiêu năm tháng, chúng ta lớn khôn và đủ sức dang rộng đôi cánh của mình, một phần không nhỏ là nhờ những vất vả đắng cay, những giọt mồ hôi từ trái tim thầy cô giáo. Nghề giáo viên thời đại nào cũng luôn được đánh giá là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Đây là nghề ươm những mầm xanh, là nghề trồng người, đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho người học trò của mình. Có thể nói thầy cô như là người cha, người mẹ thứ hai vậy. Thầy cô là người đã dạy chúng ta nét chữ đầu tiên để rồi sau này khi lớn lên chúng ta mới hiểu sự ân cần của thầy cô khi cầm tay chúng ta uốn từng nét chữ. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn. Con người chắc hẳn ai cũng có thời cắp sách tới trường. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất, thời của tuổi mộng mơ, của những ý tưởng vụt đến rồi vụt đi và của cả sự ngỗ nghịch. Chính thầy cô là những người thay đổi cuộc đời chúng ta, uốn nắn chúng ta từng chút một trên con đường học vấn. Từ khi chúng ta còn ở trường mẫu giáo chính thầy cô đã dạy cho chúng ta biết thế nào là lễ nghĩa, là biết cách cư xử cho phải phép. Rồi từng ngày, chúng ta bước lên những bậc cao hơn của nấc thang kiến thức. thầy cô luôn dõi theo chúng ta, là những người thầm lặng đưa chúng ta đến đỉnh cao của kiến thức, cho chúng ta một tương lai tươi đẹp. Cứ mỗi lần đến ngày 20/11, toàn thể học sinh chúng ta lại hân hoan chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Trên gương mặt của thầy cô giờ đây đang ngập tràn hạnh phúc và nở một nụ cười rất rạng rỡ vì những người học trò thân yêu của thầy cô đã nhớ về mình. Mỗi ngày đi qua, trên gương mặt của mỗi thầy cô, hằn sâu bao nhọc nhằn, bao vất vả của đời thường, nhưng chỉ có ánh mắt vẫn sáng lên một niềm tin, một tình yêu đối với nghề vô bờ bến. Các thầy cô giáo sẽ tiếp tục thắp sáng niềm tin ấy, thắp sáng lý tưởng cao quý mà các thế hệ thầy cô đã giữ gìn; sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, nỗ lực vượt khó, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp sức đào tạo thế hệ trẻ có phẩm chất, có năng lực, có khát vọng để tiếp bước cha anh dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Bác Hồ đã dạy: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”#_ftn4 [4] và “^ầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”#_ftn5 [5]. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và nhà nước luôn khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đất nước và dân tộc Việt Nam đang đổi mới, đang vươn mình để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, đang bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đang là bạn với tất cả các nước trên thế giới. Để hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự xã hội, yêu cầu người sĩ quan Cảnh sát nhân dân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, hành động kiên quyết, hiệu quả trong xử lý các tình huống. Đáp ứng yêu cầu trên đòi hỏi quá trình đào tạo trong nhà trường cần phải tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện - đó là quá trình đổi mới tư duy giáo dục đào tạo cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong giai đoạn mới, hiện đại hóa nhưng phải thiết thực và phù hợp với từng loại đối tượng đào tạo cụ thể. Trường Đại học CSND là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Công an; nơi đào tạo những cán bộ và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có trình độ cao cho lực lượng Cảnh sát nhân dân; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương, các trường đại học trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Trong thời gian qua, toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học CSND đã không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức cách mạng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực trong công tác giáo dục đào tạo. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chúng ta không có gì để bù đắp nổi công lao khó nhọc của thầy cô, nhưng chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn và lòng kính trọng sâu sắc nhất với các thầy cô, xin trân trọng gửi tới các thầy, cô giáo - những “người đưa đò” lời chúc tốt đẹp nhất. #_ftnref1 [1] Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, tập 8, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội, trang 184. #_ftnref2 [2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội – 1995, trang 331 3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 1995, trang 331. #_ftnref4 [4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội - 1995, trang 332. #_ftnref5 [5] Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, tập 12, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội, trang 403.
Tác giả: Phùng Văn Nam – Trần Vĩnh Thịnh