Lợi dụng nhu cầu cần được ghép nội tạng của các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, nhiều đối tượng thành lập đường dây mua bán thận, núp bóng dưới danh nghĩa hiến tặng nội tạng để thu lời bất chính, thậm chí là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của các đối tượng đã bị lực lượng chức năng và cơ quan công an khám phá, ngăn chặn. Tuy nhiên, dưới sự phát triển của mạng xã hội, nhất là trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các hoạt động môi giới và lừa đảo ngày càng tinh vi, cho thấy được sự phức tạp cả về quy mô và phương thức hoạt động, điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý.
Việc hiến tặng nội tạng là một hoạt động ý nghĩa và nhân văn, thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam. Tuy nhiên, có không ít các đối tượng đã lợi dụng nghĩa cử cao đẹp này để thành lập các đường dây mua – bán nội tạng người. Với thủ đoạn phạm tội chuyên nghiệp, bọn chúng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua – bán nội tạng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Chiều 23-3, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ mua, bán thận do Tôn Nữ Thị Huyền (48 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu và tám đồng phạm. Trong vụ án này, Huyền đã qua đời trong thời gian các cơ quan tố tụng thụ lý vụ án và tòa án quyết định đình chỉ vụ án đối với Huyền. Tòa đã phạt tám bị cáo: Đào Đức Hai Việt (29 tuổi, ngụ Bắc Ninh) 16 năm tù; Hoàng Đức Tùng (32 tuổi, ngụ Hà Giang) 16 năm tù; Phạm Quang Cảnh (27 tuổi, ngụ Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (31 tuổi, ngụ Quảng Ngãi), Nguyễn Minh Tâm (24 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) cùng 10 năm tù; Đào Quang Hưng (31 tuổi, ngụ quận 10) 16 năm tù; Huỳnh Kim Ngân (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) 12 năm tù; Vũ Trâm Duy Khôi (27 tuổi, ngụ Tiền Giang) 24 năm sáu tháng tù, cùng về tội mua, bán bộ phận cơ thể người [1].
Theo cáo buộc, từ tháng 4-2017 đến tháng 1-2019, thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội, nhóm của Huyền đã tìm kiếm được 100 người bán thận. Nhóm Huyền đưa 37 người sang Campuchia cắt ghép thận, số nạn nhân còn lại chưa tìm được người ghép thận phù hợp nên chưa đưa sang. Huyền đã thu lợi bất chính hơn 2,5 tỉ đồng, các đồng phạm còn lại thu lợi từ 3 triệu đến 280 triệu đồng. Kết quả giám định về tỉ lệ thương tật của những nạn nhân bán thận cho Huyền cho thấy người thấp nhất bị mất 45% sức khỏe, người cao nhất mất 69% sức khỏe.
Thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có ca hiến tạng từ người chết não truyền nhau trên mạng (Nguồn: laodong.vn)
Tháng 4-2023, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã triệt phá đường dây mua, bán bộ phận cơ thể người (gan, thận). Công an xác định Trần Văn Hiệp (52 tuổi, ở Hà Nội) thường tìm kiếm những người cần tiền bán bộ phận cơ thể người để làm môi giới[2]. Giúp đỡ Hiệp là Trương Thị Khuyến (57 tuổi, ở Bắc Giang) và một số người khác. Hiệp thường xuyên la cà quanh các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Khi tìm được người có nhu cầu bán thận, gan, Hiệp sẽ đưa họ đến các bệnh viện để làm các thủ tục xét nghiệm, đánh giá tình trạng của thận, gan… Theo điều tra, tổng chi phí ghép thận là 700 triệu đồng/ca; ca ghép gan 1,2-1,5 tỉ đồng/ca. Trong đó, Hiệp được hưởng lợi chênh lệch 100-200 triệu đồng/người ghép; Khuyến được Hiệp trả công 20-30 triệu đồng.
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, vừa triệt phá đường dây mua – bán bộ phận cơ thể người núp bóng việc hiến thận – nhận thận. Bước đầu, cơ quan công an xác định các đối tượng đã thực hiện 28 giao dịch mua bán tạng thận, trong đó có 13 trường hợp đã cấy ghép thành công; mỗi trường hợp cần mua thận, các đối tượng ra giá từ 400 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng, nhưng chỉ trả cho người bán thận từ 260 triệu đồng đến 400 triệu đồng, qua đó các đối tượng trong đường dây đã thu lợi bất chính hơn 12 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 19/10/2023, CQCSĐT Công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Bùi Tiến Lực, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thanh Hoà và Phan Thanh Hải về tội Mua bán bộ phận cơ thể người theo Điều 154, BLHS. Bản thân các đối tượng do điều kiện kinh tế khó khăn đã từng bán 1 quả thận. Sau đó, nhận thấy nhiều người có nhu cầu cấy ghép thận, các đối tượng đã lên mạng xã hội để đăng tin tìm người cần cấy ghép thận và người cần bán thận để môi giới thu lợi bất chính.
Phương thức thủ đoạn của chúng là lập các hội nhóm kín trên Facebook, Telegram, Zalo nhằm tìm kiếm, tiếp cận và dụ dỗ nạn nhân bán thận thậm chí là một số trang mạng công khai để quảng cáo về việc bán thận, mua thận. Sau khi tìm được người bán, chúng tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa các nạn nhân đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám,… khi tìm được người có chỉ số phù hợp với người cần mua thận để ghép, các đối tượng tổ chức tiến hành mua, bán và phẫu thuật “chui”.
Trong thời gian dài, các trang mạng xã hội này liên tục đăng các quảng cáo cần mua thận và còn ghi sẵn yêu cầu đối với người muốn bán thận là phải làm một số xét nghiệm trước. Sau khi có các xét nghiệm này, người bán thận phải gửi cho các đối tượng đứng sau các trang mạng xã hội này kiểm tra, khi đạt yêu cầu sẽ liên hệ trực tiếp để thực hiện việc giao dịch. Các trang mạng xã hội thực hiện hành vi mua bán thận này có lượng tương tác khá lớn, có sự tham gia của nhiều người có nhu cầu bán thận do hoàn cảnh khó khăn, nợ nần, cần tiền trang trải cuộc sống.
Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số bệnh viện chuyên khoa lớn nhiều bệnh nhân điều trị thận, gan muốn có nguồn cung phù hợp để cấy ghép, đồng thời cũng có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn muốn bán nội tạng để lấy tiền. Nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân và nhu cầu trên, nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn môi giới bán thận, gan để lừa đảo, môi giới chiếm đoạt tiền. Hầu hết đối tượng đều dùng phương thức đưa số điện thoại lên mạng xã hội để rao bán thận, gan nhằm mục đích “câu dụ” những người bệnh có nhu cầu mua thận, gan. Sau đó chúng yêu cầu chuyển tiền tạm ứng nhiều lần với số tiền lớn để làm các thủ tục xét nghiệm ghép nội tạng và làm giả biên lai thu tiền tạm ứng, giấy hẹn khám,… rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cho đến khi gia đình bệnh nhân sau nhiều lần hẹn khám mà không được mới đến bệnh viện để xác nhận thì mới vỡ lẽ rằng mình đã bị lừa và những giấy tờ trên đều là giả. Thời gian trước đây, các đối tượng môi giới, lừa đảo mua bán nội tạng thường xuất hiện ở các bệnh viện lớn để tìm người bệnh có nhu cầu sau đó sẽ giao dịch với họ hoặc người thân. Tuy nhiên sau nhiều lần bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hoặc bị người dân tố giác, hiện nay các đối tượng môi giới và lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội làm nơi liên hệ, giao dịch, mua bán nội tạng trái phép.
Theo ThS - luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (giảng viên Học viện Tư pháp TP.HCM), hiện nay pháp luật quy định khá chặt chẽ đối với việc hiến tặng mô, tạng người[3]. Điều kiện để một người có thể hiến thận (mô, bộ phận cơ thể) của mình khi còn sống hoặc sau khi chết được quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Và việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại và giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội, tội phạm đã lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội để thực hiện việc môi giới, ghép thận, gan hoặc lừa đảo[4]. Do vậy người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép nội tạng; tuyệt đối không tự ý làm quen, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội, qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sỹ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận, gan.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân nắm được đầy đủ; đồng thời khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe.
Tác giả: Thượng uý, Ths Lê Văn Khoa - T05
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS tăng trách nhiệm cho Công an xã (11.03.2022)
- “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”- kỳ I (10.03.2022)
- Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CAND giai đoạn 2021-2025 (08.03.2022)
- Lấy ý kiến về quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số (03.03.2022)
- Sửa đổi, bổ sung bộ luật TTHS để khắc phục những vướng mắc do tác động của dịch bệnh COVID-19 (22.02.2022)
- Thông tư quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong CAND (18.02.2022)
- Hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước (13.02.2022)
- Nhận diện hoạt động của “đạo lạ”, “tà đạo” ở nước ta hiện nay (20.01.2022)
- Đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay (26.12.2021)