1. Đặt vấn đề
“Lớp đông” là một khái niệm tương đối và tùy theo quan niệm của mỗi người. Những giảng viên (GV) quen dạy lớp có từ 18-20 sinh viên (SV) có thể sẽ thấy lớp 40 SV là quá đông. Ngược lại, những GV thường dạy những lớp 80-100 SV hay nhiều hơn sẽ coi lớp học 40 người là lý tưởng. Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tổng hợp Leeds (Vương Quốc Anh) về dạy và học ngoại ngữ ở các lớp đông người (Ur, 1996), lớp học có từ 40 người học trở lên có thể coi là lớp học đông.
Hiện nay, tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (CSND), các lớp thuộc hệ Vừa làm vừa học (VLVH) học môn tiếng Anh đều có sĩ số đông (hầu hết có khoảng 45 đến hơn 60 SV sau khi đã chia làm hai lớp học sáng và chiều). Điều này gây những khó khăn nhất định cho cho việc dạy và học ngoại ngữ, các hoạt động dạy học bị hạn chế, SV không có cơ hội thể hiện mình, từ đó không có hứng thú và ý thức thực hành với môn học.
Xuất phát từ vấn đề nêu trên, một câu hỏi được đặt ra là “Làm thế nào để dạy lớp có quân số đông hiệu quả?”. Trong bài viết này, tác giả xin đề cập đến thực trạng, khó khăn và đề xuất một số giải pháp đối với việc giảng dạy môn tiếng Anh cho các lớp có quân số đông hệ VLVH tại Trường Đại học CSND.
2. Nội dung
2.1. Một số khó khăn của quá trình Dạy – Học môn tiếng Anh cho các lớp hệ VLVH tại Trường Đại học CSND
Thứ nhất, sự chênh lệch về trình độ tiếng Anh của sinh viên làm cho bài học không đạt được hiệu quả cao như mong đợi. Hầu hết SV đều đã có 6-7 năm học môn tiếng Anh ở phổ thông nhưng do một thời gian dài công tác thực tiễn, không thường xuyên sử dụng tiếng Anh nên không nhớ nhiều; một số SV còn nhớ thì chủ yếu cũng chỉ là các chủ điểm về ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh, gần như khả năng thực hành các kỹ năng ngôn ngữ Nghe, Nói, Đọc và Viết cực kỳ hạn chế; những SV này nếu không chăm chỉ luyện tập thì rất khó để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Do đó, đa số SV đều ngại học môn tiếng Anh vì đây là môn đòi hỏi nhiều thời gian, phải có phương pháp học và đặc biệt là phát huy tối đa hiệu quả của quá trình tự học. Trong khi đó, một số SV học tiếng Anh ở phổ thông khá giỏi nên trình độ của các đồng chí hơn hẳn các SV chuyên về khối tự nhiên hay các SV chưa học tiếng Anh bao giờ. Khi giảng dạy lớp có nhiều trình độ như vậy sẽ khó có thể đáp ứng tất cả nguyện vọng của SV. Nếu GV dạy lại từ đầu sẽ làm những SV khá giỏi chán nản và cảm thấy không lĩnh hội được kiến thức gì mới. Ngược lại, nếu GV dạy nhanh hơn, bỏ qua những phần lý thuyết đơn giản thì SV yếu kém không thể theo kịp bài và sẽ gặp khó khăn khi nghe giảng ở những bài sau. Vì vậy GV chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập của một nhóm SV nhất định trong lớp.
Thứ hai, trong một lớp học có quân số đông, nếu làm việc theo nhóm, chia nhỏ quá thì không thể đủ thời gian cho tất cả các nhóm trình bày kết quả làm việc, nhóm quá đông thì SV không tham gia tích cực. Nếu thảo luận sẽ rất mất thời gian. Thật quá khó để “lấy người học làm trung tâm”. Quân số quá nhiều, GV không thể có cơ hội tiếp xúc với từng SV, mà chỉ có thể tiếp xúc với tập thể. Điều này gây trở ngại cho GV trong việc khơi dậy tính tích cực cho người học, một số SV yếu kém sinh ra tâm lý ỷ lại, thụ động. Bên cạnh đó, SV chưa có môi trường rèn luyện kỹ năng nghe - nói trừ thời gian trên lớp. Số tiết học ít, SV chỉ được tiếp xúc với tiếng Anh trong ba học phần tiếng Anh, mỗi học phần từ 60 tiết đến 75 tiết, thậm chí chỉ có 45 tiết đối với môn tiếng Anh chuyên ngành (đối với tất cả các hệ học VLVH theo niên chế), 102 tiết và 51 tiết (đối với các lớp theo hệ tín chỉ) nên hầu như GV chỉ hướng dẫn SV được một số kỹ năng cơ bản, chủ yếu là cung cấp cho SV các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng mới của bài. Vì vậy, việc phát triển đầy đủ khả năng Nghe - Nói - Đọc - Viết rất hạn chế.
2.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình Dạy - Học môn tiếng Anh cho các lớp hệ VLVH tại Trường Đại học CSND
Một là, sử dụng các SV khá, giỏi trong lớp để hỗ trợ các hoạt động theo nhóm. Như đã nói ở trên, trong một lớp học trình độ của SV không đồng đều, một số SV học yếu hơn hoặc khá hơn các SV khác. GV có thể sử dụng các SV khá, giỏi để hỗ trợ công việc giảng dạy của mình. SV sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi học nhóm cùng với SV có trình độ khá hơn mình vì không sợ khi mắc lỗi trong khi làm bài tập hoặc đặt câu hỏi. Để đạt được hiệu quả cao, GV phải phân công SV khá giỏi kèm cặp SV yếu kém, chuẩn bị nội dung và thảo luận trước với các SV khá giỏi. Những SV này có thể giảng giải lại vấn đề đó cho các SV khác trong nhóm mình được phân công.
Hai là, GV cần tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy, không ngừng học hỏi trao đổi kiến thức với các đồng nghiệp trong và ngoài Khoa. Muốn phát triển trí sáng tạo, muốn cho SV tự lực khám phá kiến thức mới, GV phải dạy cho SV phương pháp học, mà cốt lõi là phương pháp tự học. Cải tiến hình thức kiểm tra, thi đánh giá chất lượng đào tạo. Thi, kiểm tra nên gồm cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết để đánh giá toàn diện các kỹ năng của SV. Giảng viên có thể phân chia lớp học thành từng nhóm, cặp với các cấp độ khác nhau, đồng thời thiết kế các nhiệm vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng SV. Giảng viên nên giới thiệu chủ đề, trao đổi nhanh chóng về nội dung, chủ đề cần thảo luận và sau đó để cho người học tìm hiểu thông qua đọc sách, truy cập tra cứu qua internet. Cách tiếp cận theo định hướng này rất hữu ích cho các đoạn văn bản chứa rất nhiều thông tin, trong đó có thông tin mới đối với SV.
Ba là, đưa trò chơi, bài hát, bài kiểm tra, nội dung thực hành cho lớp đông và kiểm tra bằng hình thức nói. Việc kiểm tra bằng hình thức nói giúp phá vỡ các thói quen thiếu tích cực trong lớp học và tạo bầu không khí học tập thân thiện, thoải mái. Cung cấp cho SV các hoạt động giao tiếp phù hợp như đóng vai, luyện nghe qua bài hát… bởi mục tiêu ban đầu của việc học ngoại ngữ là để giao tiếp hiệu quả bằng ngôn ngữ đó. Để thực hiện tốt, GV nên chuẩn bị các nội dung bài học theo từng chủ đề giảng dạy. Phân công SV-SV theo cặp A-B, hoặc nhóm 4-6 đồng chí; theo dõi tiến trình thực hiện, bao quát lớp học, chú ý hơn đến các SV yếu kém, SV nào không thực hành thì nhắc nhở, động viên… nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập và đó cũng là động lực để các SV tự tin, mạnh dạn hơn. GV nên cho SV nhiều thời gian hơn để tương tác với nhau, thông tin liên lạc này diễn ra theo cặp và nhóm để chia sẻ những khó khăn trong việc học tập của mình với bạn bè. Bên cạnh đó, nhắc nhở SV không đặt nặng các sai sót trong khi giao tiếp bằng tiếng Anh để mạnh dạn trau dồi kỹ năng nói.
Bốn là, thiết kế các bài tập tiết kiệm thời gian làm việc trên lớp của GV. Khi giảng dạy các lớp tiếng Anh có quân số đông, nhiều GV cảm thấy không đủ thời gian, điều kiện cần thiết để nắm rõ mọi hoạt động học tập của từng SV trong lớp, nhất là việc chấm bài viết, bài tập của SV. Tuy vậy, GV vẫn có thể tìm được các dạng bài tập thích hợp cho SV mà không đòi hỏi nhiều thời gian để giải đáp và chấm bài. Chúng ta có thể thiết kế các tài liệu học được “chương trình hóa” như bài tập thay thế, chuyển đổi, điền từ vào chỗ trống (câu đơn lẻ hoặc một đoạn văn ngắn). Viết từ mới là một dạng bài tập khác dễ thực hiện trên lớp: GV gọi SV lên bảng viết từ mới, các SV khác đọc và viết vào vở của mình. Sau đó GV yêu cầu các SV khác trong lớp xem xét bài viết trên bảng và cùng chữa lỗi với GV, cuối cùng cả lớp so sánh bài viết của mình với bài viết đã được chữa đúng trên bảng.
Năm là, GV nên phân chia SV làm việc theo nhóm nhỏ. Doff (1988) trong cuốn “Teaching English – a Training Course for teachers” đã đề cập tới bốn lợi ích của hoạt động theo nhóm, cặp là: Học sinh được thực hành nhiều hơn, học sinh bị cuốn hút vào hoạt động học nhiều hơn, học sinh cảm thấy an toàn hơn, học sinh có thể giúp đỡ nhau trong khi học. GV có thể chia nhóm, cặp theo nhiều cách: các sinh viên thích làm việc với nhau, nhóm cùng sở thích, cùng giới hoặc tương đối đồng nhất về trình độ. Có thể chia nhóm các SV có trình độ không đồng đều (khá kèm yếu…), chia nhóm, cặp một cách ngẫu nhiên (ví du: theo từng dãy bàn trong lớp) và thường xuyên thay đổi các thành viên trong nhóm để SV có cơ hội làm việc với các bạn học khác nhau. Mỗi cách chia đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định và điều căn bản là GV phải có cách điều khiển các hoạt động này sao cho hiệu quả. Để thực hiện được các hoạt động theo nhóm, cặp một cách có hiệu quả, cần lưu ý một số điểm sau:
* Lưu ý khả năng có thể xảy ra là một vài thành viên có thể nói nhiều hơn các thành viên khác, khiến cho SV khác không có cơ hội tham gia vào các hoạt động học tập (như giải quyết tình huống, điền từ, chia động từ…). Để khắc phục tình trạng này, GV nên thay đổi các thành viên trong nhóm, cặp và cần có hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ cần làm cho mỗi thành viên.
* Trước khi cho SV tiến hành làm việc theo nhóm, cặp, GV phải có hướng dẫn cụ thể như: khi nào bắt đầu, cần làm gì, khi nào kết thúc. Rất nhiều hoạt động học có thể thực hiện theo hình thức này để phát triển các kỹ năng cũng như khả năng nắm bắt các thành tố ngôn ngữ. GV có thể cho SV luyện các mẫu câu, các bài tập thay thế, điền từ, viết lại câu. SV có thể thực hành các bài hội thoại ngắn, đóng vai trong các tình huống. Học theo cặp, nhóm giúp phát triển kỹ năng đọc của SV. SV cùng nhau nhận dạng các từ khó, từ mới, từ chuyên ngành, cố gắng tìm hiểu, đoán nghĩa của chúng hoặc giảng giải cho nhau, cùng nhau thảo luận tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi của bài học.
Ngoài một số giải pháp nêu trên, muốn nâng cao khả năng tiếng Anh của SV, chúng ta cũng nên áp dụng giải pháp “mưa dầm thấm lâu” bằng cách dạy từ từ - học từ từ, dạy ở mọi lúc - học ở mọi lúc… Theo đó, cần đẩy mạnh các giải pháp động viên, khích lệ SV tự học nâng cao năng lực tiếng Anh ở các tình huống gần gũi với thực tế như ở nhà và nơi làm việc, các tình huống nghiệp vụ sát với thực tiễn như một vụ tai nạn giao thông, điều tra và thu thập chứng cứ tại một hiện trường vụ án... GV cần tạo niềm vui, hứng thú học tập cho SV, bởi niềm vui hứng thú có tác động qua lại với tính tự giác, tích cực, chủ động trong học tập của SV, có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của SV. Bên cạnh đó cần tạo ra không khí thuận lợi cho lớp học, có sự giao tiếp qua lại giữa GV và SV, giữa SV và SV bằng cách tổ chức điều khiển hợp lí các hoạt động của từng cá nhân và tập thể SV.
3. Kết luận
Việc giảng dạy trong các lớp học có quân số đông là một công việc khó khăn, nhưng điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta chuẩn bị công việc một cách logic, mang đến những kinh nghiệm học tập tích cực thay cho việc chỉ dựa vào bài giảng, phát huy sức mạnh của nhóm trong các hoạt động học tập. Khi những điều này được thực hiện thì việc giảng dạy sẽ luôn đạt hiệu quả cao nhất mà không phụ thuộc vào số lượng sinh viên trong lớp.
Tác giả: Lê Quang Trực
- Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ qua các thời kỳ và kinh nghiệm rút ra đối với công tác vận động của (04.03.2017)
- Bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện "Khai thác và quảng bá thông tin trong kỷ nguyên số" (27.02.2017)
- Đại hội Công đoàn trường Đại học CSND lần thứ VII, nhiệm kì 2017-2022 (21.02.2017)
- Làm rõ bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy các môn lý luận chín (20.02.2017)
- Nghị định quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự (13.02.2017)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng chức danh phó Trưởng phòng, quy hoạch chức danh Phó trưởng phòng và tương đ (02.02.2017)
- Khoa Kỹ thuật hình sự ký kết giao ước kết nghĩa với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thành phố Hồ Chí (16.11.2016)
- Gặp mặt học viên Campuchia nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Quốc khánh Vương quốc Campuchia (16.09.2016)
- Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại với Cách mạng Việt Nam (16.08.2016)