An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc… Ban Bí thư nhấn mạnh tại Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo Ban Bí thư, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như không ít cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở…
Theo đó, để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.
Ban Bí thư cũng yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm cũng như các hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…
Cùng với đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban Bí thư đề nghị phải có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn… cũng là những vấn đề được Ban Bí thư đặt ra.
Chỉ thị nêu rõ “Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách”.
Ban Bí thư nhấn mạnh, với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Tô Hà (Tổng hợp)
- Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Lực lượng CAND “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình" (22.12.2023)
- Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm để người dân đón Tết Nguyên đán năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an (16.12.2023)
- 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong Tố tụng, THA (07.12.2023)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới (06.12.2023)
- “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt đại dịch bệnh AIDS vào năm 2030” (06.12.2023)
- Trưởng phòng nghiệp vụ của CAND được xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 1/1/2024 (29.11.2023)
- Thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), bổ sung hạ sĩ quan lực lượng vũ trang được thuê nhà ở công vụ (28.11.2023)
- Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với ND (22.11.2023)
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ AN,TT ở cơ sở củng cố sức mạnh, bảo vệ vững chắc AN,TT ở cơ sở (22.11.2023)