Văn hóa đọc được hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, đó là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc các giá trị từ sách báo mà người đọc tiếp nhận, đã được thực thi và làm nền tảng để tiếp tục sáng tạo nên những giá trị mới. Trong các trường đại học, văn hóa đọc là con đường giúp sinh viên tiếp thu những tri thức mới một cách nhanh và có hiệu quả nhất; với khối lượng tri thức lớn được tiếp nhận từ nhiều nguồn tài liệu phong phú, thuận lợi và có ưu điểm là ít tốn kém về thời gian và tiền của. Văn hóa đọc còn là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chức năng giáo dục, tác động trực tiếp tới sự hình thành nhân cách, phát triển tư duy của con người, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, văn hóa đọc đã trở thành công cụ quan trọng, đảm bảo cho sinh viên Trường Đại học CSND có khả năng tiếp cận và lĩnh hội thông tin và tri thức mới. Chính vì vậy văn hóa đọc là phương tiện và công cụ đảm bảo cho sinh viên có thể thực hiện ý tưởng học tập suốt đời phấn đấu trở thành người Công an cách mạng như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Như nhà giáo dục danh tiếng Xukhomlinxki đã nói: “chỉ có sách và người thầy mới làm nên trường học”
1.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người ham đọc sách, báo và người luôn coi trọng sách, báo. Người cho rằng nguyên lý và phương châm học tập là: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau, học ở dân”
2. Việc đọc trở thành nếp quen sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu, Người cũng đã coi đọc sách không chỉ đơn thuần là giải trí hay giải quyết công việc sự vụ hoặc nâng cao tầm hiểu biết, mà việc đọc còn giúp Người phục vụ cách mạng. Không chỉ là một người ham đọc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tạo mọi điều kiện cho đồng bào xem sách, báo. Thực tế cho thấy những năm gần đây giới trẻ và sinh viên có xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách, có đọc chỉ là truyện tranh, tiểu thuyết. Đồng thời sự lấn át của internet và phương tiện nghe nhìn làm cho văn hóa đọc trong nhà trường suy giảm. Đa số sinh viên chỉ đọc và học khi các kỳ thi tới gần, học để đối phó, học để thi, hoặc sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu. Điều đó có nghĩa là việc đọc chỉ mang tính tức thời khiến sinh viên thiếu chủ động. Trường Đại học CSND là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của Bộ Công an ở phía Nam. Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo những sĩ quan Cảnh sát tương lai giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, vững về pháp luật, đồng thời tiếp cận và nắm vững những kiến thức về tự nhiên, xã hội, tâm lý và nhiều mặt khác trong xã hội. Không chỉ có trình độ mà mỗi chiến sĩ Cảnh sát phải rèn luyện cho mình những phẩm chất, ý chí, đạo đức để có thể trở thành người Công an cách mạng như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Để đạt được điều này sinh viên cần phải “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo” thông qua việc đọc sách, sinh viên có thể tự bồi dưỡng về mặt kiến thức cũng như rèn luyện về phẩm chất chính trị cho mình, luôn đứng vững trước mọi tình huống đặt ra trong cuộc sống. Điều này sinh viên cần phải đọc và học tập qua sách vở là kênh cung cấp thông tin chính thống cho chúng ta hết sức bổ ích và hiệu quả nhất.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 16/8/2016 Bộ Trưởng Bộ Công an đã phát động phong trào đọc sách trong CAND. Bộ trưởng nhấn mạnh
“Trong thời đại hệ thống thông tin truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhất là mạng internet đang đem lại nhiều tiện ích trong việc cập nhật thông tin và tiếp cận với tri thức của nhân loại thì sách vẫn không mất đi giá trị truyền thống vốn có qua hàng nghìn năm lịch sử, sách vẫn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với mỗi chúng ta trong thời đại ngày nay. Đến với sách và hình thành thói quen đọc sách sẽ tạo nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển xã hội học tập và học tập suốt đời của mỗi người trong thời đại mới”.
Trong thời gian qua, Trường Đại học CSND đã quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận những cuốn sách hay về nhiều lĩnh vực như: Kỹ năng sống, sách chuyên ngành, sách liên ngành sách pháp luật, sách tâm lý, sách nghiệp vụ, sách kinh doanh, sách giải trí… Với mục đích để sinh viên tự học tập, tiếp thu, phát triển kiến thức về nhiều mặt trong cuộc sống, trang bị cho mình những kiến thức về nhiều mặt trong cuộc sống, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong thời gian đào tạo tại Trường. Ngoài ra còn giúp cho sinh viên tìm ra phương pháp để nâng cao khả năng đọc, lựa chọn sách hay để nghiên cứu học tập và cách ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn cuộc sống. Đó đều là những phương pháp hay và bổ ích trong việc nâng cao văn hóa đọc của sinh viên tại Trường Đại học CSND.
Trường Đại học CSND đang đổi mới toàn diện trong giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, nắm bắt tình hình đó Trung tâm Lưu trữ và thư viện đã và đang đóng góp công sức vào sự nghiệp đào tạo của Nhà trường. Vấn đề phát triển văn hóa đọc của sinh viên Trường Đại học CSND là một vấn đề thiết thực và là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Trung tâm đề ra, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đứng trước nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu nội dung đổi mới phương thức đào tạo của Nhà trường và thực hiện chuẩn đầu ra đối với sinh viên, Trung tâm đề ra hướng hình thành và phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, thông qua việc chủ động cung cấp thông tin cho bạn đọc, chủ động tiếp cận, hình thành và phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, dựa trên nghiên cứu các đặc điểm của sinh viên trường có những đặc điểm khác biệt so với sinh viên các trường đại học khác. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo nhà Trường. Thư viện của trường đã đáp ứng tương đối đầy đủ tất cả các loại sách, thông tư, tài liệu chuyên ngành, tài liệu liên ngành, tài liệu ngoại văn, tài liệu tra cứu, truyện các loại, đề tài nghiên cứu các loại, báo chí… phục vụ nhu cầu đọc ngày càng cao của sinh viên Trường Đại học CSND. Qua đó thúc đẩy văn hóa đọc của sinh viên trong trường ngày càng phát triển. Hàng năm, Trung tâm có kế hoạch bổ sung sách, báo, tạp chí... định kỳ theo số lượng tăng lên của sinh viên, cũng như trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Điều đó cho thấy nhu cầu đọc, tìm kiếm thông tin của sinh viên trong Trường ngày càng tăng lên. Dẫn chứng cho những điều này là bảng thống kê số liệu bạn đọc trong những năm gần đây:
STT |
Năm học |
Bạn đọc |
Tài liệu phục vụ |
1 |
2011-2012 |
20.238 |
32.281 |
2 |
2012-2013 |
21.586 |
34.782 |
3 |
2013-2014 |
23.721 |
40.506 |
4 |
2014-2015 |
25.864 |
46.004 |
5 |
2015-2016 |
27.506 |
48.557 |
6 |
Tổng số |
118.915 |
202.130 |
(Nguồn: Trung tâm TT và TV - T48)
Đặc biệt sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, với một lượng thông tin tri thức khổng lồ, việc đọc sách trên mạng internet thay thế việc đọc sách bằng giấy cũng là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Văn hóa đọc vì thế được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là đọc các văn bản, mà là tìm kiếm tất cả các tri thức, trong đó bao gồm âm thanh, hình ảnh, sơ đồ, bản vẽ. Chính vì thế, các thư viện ngày nay đã có sự thay đổi tương ứng cho phù hợp với nhu cầu này. Thư viện Truyền thống là nơi lưu giữ sách, còn ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển thì thư viện là trung tâm thông tin, hiện trong trường có các điểm truy cập Wife miễn phí cho sinh viên truy cập những trang Web dành cho sách điện tử trên mạng internet như: fahasasg.com.vn, vnthuquan.net, thuwvien-ebook.com, sachhay.com, docsach.dec.vn…. Với những trang web này, sinh viên Trường Đại học CSND có thể dể dàng tiếp cận với hàng ngàn cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Tuy nhiên, văn hóa đọc của sinh viên Trường Đại học CSNS còn những hạn chế và nguyên nhân sau:
Một là, do sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của thông tin, đặc biệt là thông tin trí thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sinh viên đọc sách qua các trang mạng, đọc sách online. Nhờ tính cập nhật nhanh, chính xác… chính điều này làm cho văn hóa đọc có xu hướng ngày càng bị mài mòn, sinh viên không thích dành nhiều thời gian để nghiên cứu những cuốn sách, thay vào đó là chơi game, xem các chương trình tivi, facebook, chat và nhiều thứ tiêu khiển khác… Đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho văn hóa đọc bị lu mờ.
Hai là, một số điều kiện phục vụ cho công tác đọc sách của sinh viên còn hạn chế, như một phần cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng tốt, phòng đọc chật hẹp, số lượng đầu sách chưa nhiều, chưa phong phú về chủng loại và nội dung. Sinh viên chưa có không gian đọc sách thật yên tĩnh để có thể đọc sách và tiếp thu kiến thức từ sách.
Ba là, công tác giảng dạy còn chưa yêu cầu cao, một số giảng viên còn nặng về truyền thụ một chiều, thầy đọc, trò ghi, ít phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên. Phương pháp dạy và học theo lối truyền thống đó làm cho sinh viên thiếu sự tìm tòi sáng tạo. Một trong những biểu hiện của sự hạn chế về văn hóa đọc của sinh viên là tình trạng sinh viên chỉ học khi các kỳ thi đã tới gần, học đối phó, học để thi. Chính vì vậy, sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo. Một tình trạng đang phổ biến hiện nay là sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu làm tiểu luận, bài tập, hay thuyết trình về một đề tài, tức là chỉ khi có yêu cầu đặt ra mang tính bắt buộc, sinh viên mới có ý thức đọc mang tính tức thời, đối phó.
Để phong trào đọc sách của sinh viên Trường Đại học CSND ngày càng phát triển mạnh, có chiều sâu và đọc sách báo trở thành việc làm thường xuyên hàng ngày của sinh viên trong thời gian tới, cần thực hiện một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho sinh viên, mỗi sinh viên cần xây dựng cho mình thói quen đọc sách; đọc sách vừa là thói quen và phải trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi sinh viên. Đọc sách để tích lũy kiến thức nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm hoàn thiện nhân cách, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên Trường Đại học CSND đáp ứng nhu cầu xây dựng CBCS Công an vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT của đất nước trong thời kỳ mới.
Thứ hai, các đơn vị trong Trường, chú trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên, các thầy cô giáo cần triển khai kế hoạch học tập khi giảng bài, hướng dẫn cho sinh viên tìm kiếm nguồn tại liệu cần đọc, cần giao việc cho sinh viên tìm kiếm tri thức trong tài liệu và có biện pháp kiểm tra kết quả việc đọc sách của sinh viên qua từng bài học, môn học.
Đội ngũ giảng viên có trách nhiệm giới thiệu cho các sinh viên những cuốn sách hay, chỉ cho sinh viên kỹ năng đọc sách phù hợp với bản thân và ngành đang theo học, các tài liệu bên ngoài, giao nhiệm vụ cho sinh viên đọc và viết tóm tắt nội dung cơ bản của những tài liệu có liên quan đến bài học. Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên rằng muốn học tập tốt thì việc sử dụng thời gian hợp lý là việc vô cùng quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, các khoa, bộ môn kết hợp với đoàn trường tổ chức nhiều câu lạc bộ học tập như: Câu lạc bộ pháp luật, hội thi Olimpic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như phát động phong trào viết về biển đảo, viết theo chủ đề tìm hiểu nghị quyết của Đảng. Đoàn trường là nhân tố kích thích đến các hoạt động học tập, hoạt động đọc sách, hoạt động cụ thể nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các cuộc thi tìm hiểu về sách như: Mừng đảng, mừng xuân, thành lập trường, quốc khánh, thành lập ngành… tạo ra không khí vui tươi, tinh thần học tập cho sinh viên, cũng như đẩy mạnh hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên trong Trường.
Thứ tư, thư viện phải là nơi tổ chức hợp lý, khoa học, đổi mới phương thức hoạt động, chủ động tiếp cận hình thành và phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, nâng cao chất lượng, số lượng các tài liệu, đồng thời cân đối giữa các ngành học. xây dựng nguồn vốn tài liệu phong phú, đa dạng nhất là những tài liệu quý kiếm, các băng, đĩa chuyên án... đảm bảo phục vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của sinh viên.
Tăng cường đầu tư, củng cố hoàn thiện cơ sở vật chất đội ngũ cán bộ thư viện, mở rộng liên thông, kết nối giữa các thư viện trong CAND nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn vốn tư liệu tài liệu cập nhật thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của sinh viên. Định kỳ, tổ chức tốt ngày hội sách, triển lãm sách báo, cũng như các hoạt động marketing thư viện, nhằm tuyên truyền có định hướng đến sinh viên các tài liệu mới, tài liệu chuyên ngành, tạp chí mới để bạn đọc kịp thời nắm bắt thông tin.
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Cảnh Vũ, Đọc sách báo trở thành việc làm thường xuyên của mỗ
i CBCS Công an, báo Công An nhân dân online, // cand.com.vn/ Hoat-dong-LL-CAND/Trien-lam-sach-voi-can-bo-chien-sy-CAND-va-phat-dong-phong-trao-doc-sach-trong-CAND-404432/truy cập ngày 04/01/2017.
2. Hồ Chí Minh (1960),
Phát huy tinh thần cầu học cầu tiến bộ, Nxb Sự Thật, Hà Nội, năm 1960, trang 14.
3. Lê Ngọc Oánh (2009),
Cẩm nang thư viện trường học, NXB Sư phạm, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 278.
4. Lê Ngọc Oánh (2000),
Vai trò của thư viện đại học trong việc đổi mới và phát triển giáo dục, Bản tin điện tử Câu Lạc bộ Thư Viện, 2000, trang 1-2.
5. Lý Trường Chiến (2000),
Vài giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc, tham luận cho Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”, Tạp chí trí thức.
6. Nguyễn Minh Hiệp, Sổ tay quản lý thông tin - thư viện (2002), Nxb Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, 301 trang.
Tác giả bài viết: Phùng Thị Thủy
Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 94 (tháng 10/2017)