Hiện nay cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo trong đó có 114 trường đại học, 43 viện nghiên cứu và một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết thúc năm học 2015 - 2016, quy mô của các cơ sở đào tạo trong cả nước là 13.598 nghiên cứu sinh.
Trong công tác đào tạo tiến sĩ, vấn đề xây dựng, xét chọn, thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề luận án tiến sĩ vào thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân là vấn đề cơ bản, xuyên suốt quá trình đào tạo tiến sĩ, quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo tiến sĩ. Đây là vấn đề rất rộng, nhưng rất cụ thể, do đó trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi những vấn đề cơ bản nhất.
Trước hết công tác xây dựng và xét chọn đề tài luận án tiến sĩ là khâu đầu tiên của quy trình đào tạo tiến sĩ, nhưng có vai trò rất quan trọng, trong nhiều trường hợp quyết định chất lượng của công tác đào tạo tiến sĩ. Khâu này diễn ra qua các bước: Người dự tuyển nghiên cứu sinh xác định đề tài nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu chi tiết dưới sự hướng dẫn của cơ sở đào tạo và các chuyên gia; tiểu ban chuyên môn nghiệp vụ của Hội đồng tuyển sinh thẩm định, nhận xét, đánh giá và kết luận vấn đề nghiên cứu và đề cương nghiên cứu chi tiết có đáp ứng được yêu cầu của luận án tiến sĩ hay không. Quá trình thẩm định, nhận xét, đánh giá của tiểu ban có ý nghĩa tư vấn cho Hội đồng xét tuyển nghiên cứu sinh xem xét, quyết định có đưa đề tài luận án tiến sĩ vào nghiên cứu hay không.
Nếu đề tài luận án được Hội đồng xét tuyển chấp thuận, người dự xét tuyển nghiên cứu sinh trúng tuyển vào làm nghiên cứu sinh, đề tài luận án tiến sĩ bước vào công đoạn thực hiện đề tài luận án của nghiên cứu sinh. Trong quá trình này, nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học phải chỉnh sửa lại đề cương nghiên cứu chi tiết trên cơ sở góp ý, kết luận của tiểu ban chuyên môn, sau đó đưa ra hội thảo trong Hội đồng chuyên môn do cơ sở đào tạo thành lập để làm chính xác, cụ thể hoá, đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện đề tài luận án. Sau khi hoàn thành công việc này, nghiên cứu sinh tiến hành thu thập, nghiên cứu những tài liệu lý luận và thực tiễn có liên quan đến đề tài luận án. Trong quá trình này, nghiên cứu sinh nghiên cứu các chuyên đề cập nhật kiến thức mới, dựa trên cơ sở kết quả thu thập, nghiên cứu các tài liệu lý luận và thực tiễn viết các bài báo khoa học, các chuyên đề khoa học chuyên sâu thông qua hội đồng đánh giá nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của đề tài luận án, công bố những phát kiến mới trong quá trình nghiên cứu, nâng cao nhận thức và năng lực nghiên cứu, nhất là phương pháp luận tư duy khoa học để nghiên cứu sinh viết bản thảo luận án dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học. Sau khi viết xong, bản thảo luận án được thông qua các khâu: hội thảo luận án cấp khoa; hội thảo luận án cấp trường; bảo vệ luận án ở Hội đồng cấp cơ sở; luận án được đánh giá bởi những người phản biện độc lập; luận án được đánh giá ở Hội đồng cấp trường. Tất cả các khâu này được thực hiện theo các quy định khá chặt chẽ của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của nhà nước.
Sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án, được nhận văn bằng tiến sĩ, kết quả nghiên cứu đề tài luận án được đưa vào sử dụng. Quá trình này diễn ra ở hai hướng: Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án được khai thác sử dụng trong nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo trong các cơ sở đào tạo; kết quả nghiên cứu của đề tài luận án, nhất là những giải pháp, kiến nghị đóng vai trò tư vấn cho công an các đơn vị, địa phương trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, giải pháp phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Do nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, trong những năm qua, các học viện, trường Công an nhân dân, trong đó có Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân rất coi trọng công tác xây dựng, xét chọn, thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ vào thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Qua nghiên cứu trao đổi, toạ đàm với các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, các thầy, cô giáo và các nghiên cứu sinh, chúng tôi khái quát lại có những ưu điểm cơ bản sau đây:
- Một là: Công tác xây dựng, xét chọn, thực hiện, ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài luận án tiến sĩ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bộ Giáo dục và đào tạo, của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Đảng uỷ, Ban Giám đốc các Học viện, Ban Giám hiệu các trường Công an nhân dân thông qua các chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các quy định cụ thể về công tác đào tạo tiến sĩ.
- Hai là: Việc xây dựng, xét chọn, thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ ở Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã quán triệt nghiêm túc, sáng tạo Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ngành Công an về công tác đào tạo tiến sĩ, nhất là mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp đào tạo, trình tự, thủ tục của từng khâu trong quy chế đào tạo tiến sĩ cũng như những đòi hỏi của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm.
- Ba là: Công tác xây dựng đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh về cơ bản đảm bảo đúng và phù hợp với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với khả năng, sở trường, định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp của nghiên cứu sinh, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ, bám sát vào yêu cầu, đòi hỏi mang tính cấp thiết của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm. Do đó, phần lớn các đề tài được các tiểu ban chuyên môn đánh giá mang tính cấp thiết, tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của một đề tài luận án tiến sĩ.
- Bốn là: Quá trình xét chọn đề tài đã huy động được các nhà khoa học có trình độ lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn thuộc ngành và chuyên ngành đào tạo tham gia tiểu ban chuyên môn. Trong quá trình xét chọn, đa số các thành viên của tiểu ban chuyên môn đều bám vào mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ, ngành và chuyên ngành đào tạo, tính cấp thiết, tính khả thi và sự không trùng lặp của đề tài luận án với các công trình khoa học, đề tài luận án tiến sĩ đã công bố. Do đó, phần lớn các đề tài luận án tiến sĩ đã được xét chọn về cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu của đề tài luận án tiến sĩ.
- Năm là: Quá trình thực hiện đề tài luận án tiến sĩ được tiến hành tuần tự theo từng bước. Đánh giá tổng thể, nhìn chung nghiên cứu sinh đã có trách nhiệm, tranh thủ thời gian, sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học, ý kiến của các chuyên gia, thu thập tài liệu lý luận và thực tiễn viết các bài báo khoa học, các chuyên đề chuyên sâu của luận án, bản thảo luận án theo đề cương chi tiết đã được phê duyệt. Quá trình hội thảo, đánh giá luận án ở cấp cơ sở, phản biện độc lập, cấp cấp trường được tiến hành khá chặt chẽ, khách quan, khoa học, chính xác và cụ thể với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc ngành và chuyên ngành đào tạo. Đáng chú ý, quá trình hội thảo, đánh giá luận án tiến sĩ nhìn chung có tính phản biện, sự tranh luận khoa học, góp phần đảm bảo chất lượng của luận án cũng như đào tạo, bồi dưỡng phương pháp luận tư duy khoa học cho nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu tiếp theo.
- Sáu là: Kết quả nghiên cứu của các đề tài luận án tiến sĩ được khai thác, ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo trong các Học viện, Trường Công an nhân dân. Đồng thời, những kiến nghị, giải pháp của luận án được tham khảo, vận dụng trong thực tiễn nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, quá trình xây dựng, xét chọn, thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài luận án tiến sĩ trong công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót sau đây:
Trước hết, việc lựa chọn và xây dựng đề cương nghiên cứu luận án tiến sĩ của không ít nghiên cứu sinh không phù hợp với định hướng nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp của nghiên cứu sinh, thậm chí có những điểm, những nội dung trùng lặp với những đề tài đã nghiên cứu trước đó. Trong quá trình xét chọn đề tài luận án tiến sĩ, các thành viên của tiểu ban chuyên môn còn có trường hợp làm thay cho ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh trong việc lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương nghiên cứu cũng như còn nể nang trong việc đánh giá năng lực nghiên cứu của ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh. Cá biệt, có trường hợp ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh chọn đề tài nghiên cứu nhưng chưa định hình được nội dung và phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề tài luận án, nhiều nghiên cứu sinh chưa tập trung thời gian thu thập, nghiên cứu các tài liệu lý luận và thực tiễn để viết các bài báo khoa học, các chuyên đề chuyên sâu, bản thảo của luận án theo tiến độ nêu trong kế hoạch đã được phê duyệt. Chính vì vậy, trong nội dung của các bài báo khoa học, các chuyên đề chuyên sâu và bản thảo luận án còn nặng về mô tả, chưa phản ánh rõ kết quả kế thừa những tri thức, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn đã có, kết quả tổng hợp, phân tích, đánh giá và những phát kiến mới trong xây dựng lý luận và trong hoạt động thực tiễn phòng, chống tội phạm, nội hàm khoa học và tính học thuật của luận án còn hạn chế. Mặt khác, do quá trình tổng hợp, phân tích lý luận, khảo sát thực tiễn còn hạn chế, độ tin cậy thấp dẫn đến các nhận xét, đánh giá, đề xuất trong luận án còn mang nặng tính chủ quan, thiếu tính khái quát khoa học, những điểm mới thiếu tính thuyết phục. Chúng tôi cho rằng, đây là hạn chế, thiếu sót cơ bản nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay. Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, cũng có trường hợp người hướng dẫn khoa học, các thành viên của các hội đồng hội thảo, phản biện độc lập, hội đồng đánh giá cấp khoa, cấp trường chỉ có kiến thức lý luận và thực tiễn cùng ngành đào tạo, kiến thức chuyên ngành còn hạn chế, chưa nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ do đó thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu của nhiều luận án tiến sĩ trong nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, nhất là trong thực tiễn phòng, chống tội phạm còn nhiều hạn chế, chưa được tổng hợp, đánh giá chính xác.
Những hạn chế, thiếu sót nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý là: Trong những năm qua, nhất là những năm gần đây trong công tác đào tạo tiến sĩ một số cơ sở đào tạo chú trọng chạy theo số lượng, chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng; chất lượng nguồn tuyển nghiên cứu sinh còn nhiều hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học cũng như xác định động cơ, mục đích làm nghiên cứu sinh và chưa được quy hoạch; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học và tham gia đào tạo nghiên cứu sinh không đồng đều; nhiều người hướng dẫn khoa học không có hoặc có ít đề tài, dự án hỗ trợ nghiên cứu sinh làm luận án; chưa gắn chặt trách nhiệm của cơ sở đào tạo và những người tham gia đào tạo tiến sĩ với chất lượng đào tạo tiến sĩ, nhất là chất lương của luận án tiến sĩ; số nghiên cứu sinh ở hình thức đào tạo không tập trung chiếm tỷ lệ lớn nên không có điều kiện thời gian liên tục để nghiên cứu; trình độ ngoại ngữ của người hướng dẫn khoa học và nghiên cứu sinh còn nhiều hạn chế nên không có điều kiện tham khảo tài liệu của nước ngoài trong quá trình thực hiện đề tài luận án; kinh phí trang bị, phương tiện phục vụ đào tạo tiến sĩ còn rất hạn chế.
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, xét chọn, thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ trong công tác phòng, chống tội phạm trong những năm tới, theo quan điểm của chúng tôi, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, về quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình đào tạo tiến sĩ đó là mục tiêu đào tạo tiến sĩ nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu, chỉ đạo. Nghiên cứu sinh là các nhà nghiên cứu, sản sinh ra tri thức và trí tuệ mới. Do đó luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc có giải pháp mới trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học. Vì vậy, phải nghiên cứu xác định rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ của từng ngành, chuyên ngành đào tạo sát với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế một cách cụ thể, khách quan, khoa học, mang tính khả thi, không sao chép theo mô hình của các nước phát triển khác. Từ đó làm căn cứ khoa học cho toàn bộ quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ từ khâu quy hoạch nguồn tuyển sinh, xét tuyển đến khâu đánh giá luận án tiến sĩ ở cấp cuối cùng và cấp bằng tiến sĩ. Cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá luận án tiến sĩ cả về định tính và định lượng.
Hai là, trong thời gian tới cần khắc phục tư tưởng chạy theo số lượng, thậm chí cần xem xét giảm quy mô đào tạo ở một số ngành và chuyên ngành đào tạo, tập trung các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ. Cần quy định chặt chẽ những tiêu chuẩn của các cơ sở đào tạo được mở chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ở từng ngành và chuyên ngành đào tạo để các cơ sở đào tạo phấn đấu hoàn thiện, từng bước nâng cao điều kiện đảm bảo.
Ba là, cần chú trọng đảm bảo chất lượng nguồn tuyển nghiên cứu sinh. Người tham gia xét tuyển nghiên cứu sinh phải có năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực hoạt động thực tiễn, xác định rõ động cơ, mục đích làm nghiên cứu sinh. Cần xây dựng quy hoạch nguồn đào tạo trình độ tiến sĩ về độ tuổi, ngành, chuyên ngành đào tạo, lực lượng, vùng, miền, đào tạo trình độ ngoại ngữ cho những người trong nguồn quy hoạch đào tạo tiến sĩ. Trong lực lượng Công an nhân dân cần ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giáo dục, công tác tư pháp và thực hiện chức năng tư pháp, công tác tham mưu, tổng hợp, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiệp vụ chuyên sâu. Cần ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ cho các học viện, trường Công an nhân dân, nhất là các học viện, trường đại học Công an nhân dân có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học nói chung, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của quốc gia nói riêng.:quản lý chặt chẽ việc xác định đề tài nghiên cứu theo hai hướng: Cơ sở đào tạo đưa ra định hướng nghiên cứu và các đơn vị thực tiễn đặt hàng nghiên cứu. Trên cơ sở đó nghiên cứu sinh chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu, cơ sở đào tạo xét duyệt. Hướng thứ hai, nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu, cơ sở đào tạo xét duyệt.
Việc lựa chọn đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải bám vào mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo tiến sĩ và yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, phù hợp với định hướng nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp và năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Bốn là, quản lý chặt chẽ việc thực hiện các khâu trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ: chọn đề tài nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu; xét tuyển; nghiên cứu các chuyên đề cập nhật kiến thức; viết các bài báo khoa học, viết các chuyên đề chuyên sâu; hội thảo; phản biện độc lập, đánh giá luận án tiến sĩ ở Hội đồng các cấp theo hướng đảm bảo chất lượng. Những điểm mới của luận án phải rõ ràng, có sự xác nhận cụ thể bằng văn bản của Hội đồng, được đăng tải trên các Tạp chí khoa học, cũng như được ứng dụng trong hoạt động thực tiễn và được các cơ quan, đơn vị thực tiễn thừa nhận.
Năm là, cần chuẩn hoá theo hướng đảm bảo chất lượng các tiêu chí của người hướng dẫn khoa học, các nhà khoa học tham gia Hội đồng xét chọn, hội thảo, đánh giá luận án tiến sĩ ở cấp cơ sở và cấp trường gắn với ngành và chuyên ngành đào tạo, định hướng nghiên cứu của người hướng dẫn khoa học phù hợp với định hướng nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Thông qua con đường này sẽ góp phần đào tạo các nhà khoa học hàng đầu trong từng lĩnh vực khoa học cụ thể. Cần có quy định cụ thể gắn chặt trách nhiệm của cơ sở đào tạo và những người tham gia đào tạo ở trình độ tiến sĩ với chất lượng của luận án tiến sĩ.
Sáu là, cần có quy định cụ thể, thừa nhận việc sử dụng kết quả nghiên cứu của luận án tiến sĩ trong quá trình đào tạo và trong thực tiễn phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Bảy là, cần chú ý tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo trình độ tiến sĩ và có chế độ chính sách sử dụng nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ hợp lý góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tám là, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác kiểm định chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cơ sở các tiêu chí cụ thể của cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ. Mặt khác cần tăng trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo với xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tác giả bài viết: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Huy Thuật - Phó Giám đốc Học viện CSND
Nguồn tin: Bài đã được đăng trên Tạp chí KHGD CSND số 85 - 01/2017