1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật Giao thông đường bộ được Quốc Hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực ngày 01/7/2009. Cùng với đó, là hệ thống các văn bản pháp luật quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng được ban hành, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau hơn 14 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, góp phần to lớn trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, cả về kết cấu hạ tầng cũng như số lượng phương tiện, người tham gia giao thông ngày một gia tăng. Song song đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức độ cao và nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông; ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên, tính chất nghiêm trọng của ùn tắc giao thông ngày càng tăng; tình hình vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra phổ biến; các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ cũng diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự.
Mặt khác, do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện tham gia giao thông thời điểm đó chủ yếu là xe mô tô và xe gắn máy. Do đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện. Hơn nữa, do được ban hành từ năm 2008, đến nay đã hơn 13 năm, trong suốt thời gian đó các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về giao thông vận tải có nhiều thay đổi.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và xuất phát từ tình hình thực tiễn như trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 02 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm 08 chương, 61 điều,cụ thể như sau:
- Chương 1. Những quy định chung
Gồm 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II. Quy tắc giao thông đường bộ
Gồm 24 điều, từ Điều 9 đến Điều 32, quy định về: Quy tắc chung; chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, qua cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc; giao thông trong hầm đường bộ; quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; xe kéo xe và xe kéo rơ moóc; người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác; người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy tham gia giao thông.
Ở chương II này, dựa trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa những quy định của những văn bản dưới luật, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.
- Chương III. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Gồm 11 điều, từ Điều 33 đến Điều 43, quy định về: Điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp và thu hồi giấy phép lái xe.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân. Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe cho phù hợp với Công ước Viên năm 1968…
- Chương 4. Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Gồm 7 điều, từ Điều 44 đển Điều 50, quy định về: Chỉ huy, điều khiển giao thông; bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống, đột xuất; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tổ chức sự kiện trên đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ tham gia giao thông đường bộ; kiến nghị về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ; phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông.
Đây là nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, để cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
- Chương V. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ
Gồm 03 điều, từ Điều 51 đến Điều 53, quy định về: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông; điều tra, giải quyết, thống kê tai nạn giao thông.
Nội dung chương V là điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bởi vì công tác giải quyết tai nạn giao thông liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.
- Chương VI. Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Gồm 04 điều, từ Điều 54 đến Điều 57, quy định về: Nội dung, hình thức và lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát; dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Đây là nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.
- Chương VII. Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Gồm 02 điều, từ Điều 58 đến Điều 59, quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ, của Bộ Công an, của các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
- Chương VIII. Điều khoản thi hành
Gồm 02 điều, từ Điều 60 đến Điều 61, quy định về: Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Như vậy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông hiện nay không quy định về hình thức cấp biển số xe ô tô qua đấu giá, trừ điểm của giấy phép lái xe; không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành có liên quan.
3. Kết luận
Để góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bên cạnh việc tiến hành đồng bộ các giải pháp, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, trọng tâm là xây dựng 02 Luật mới là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Hai dự án Luật mới này sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để điều chỉnh chuyên sâu và tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi hoàn thiện sẽ là cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở nước ta trong thời gian tới.
Tác giả: TS Nguyễn Thanh Lâm - Phó Trưởng Khoa CSGT
- Title of thesis: Investigating the scene of extortion cases by the Criminal Investigation on So (24.11.2018)
- Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người (01.11.2018)
- Giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử (01.10.2018)
- Hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám chữa bệnh (12.09.2018)
- Sôi động cùng mùa giải chào mừng năm học mới (17.08.2018)
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng anh cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (06.07.2017)
- Từ 01/01/2020 sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước (04.07.2017)