Theo báo cáo Tổng kết công tác Công an của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và xử lý 18.151 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 3.630 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm phổ biến, chiếm tỉ lệ cao là: vi phạm về quy tắc giao thông (25%); quy định về sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn (22%); quy định về Danh bạ thuyền viên (21%); chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn (18%); quy định về tín hiệu (10%). Những hành vi vi phạm trên cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đường thủy chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, mức độ thiệt hại mà các vụ tai nạn gây ra ngày càng nghiêm trọng. Điển hình có thể kể đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 20/3/2016, tàu kéo SG 3745 do Trần Văn Giang (không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định) điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 (đã hết hạn đăng kiểm) từ Long An về hướng Đồng Nai đã đâm vào mố số 2 của Cầu Ghềnh gây sập 2 nhịp cầu, làm tuyến đường sắt Bắc - Nam qua cầu Ghềnh bị tê liệt hoàn toàn, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Nghiên cứu hồ sơ các vụ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy nguyên nhân xảy ra phần lớn xuất phát từ sự thiếu ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động nhiều nội dung công tác, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả như sau:
Từ năm 2012 đến 2016, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra xử lý tai nạn giao thông, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng) với hơn 96.474 lượt người tham gia giao thông các quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy. Bên cạnh đó, đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức các đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề và lồng ghép vào đó nội dung tuyên truyền an toàn giao thông dành riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau. Nhóm đối tượng tập trung tuyên truyền là chủ các bến đò, bến khách, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông; chủ và người điều khiển phương tiện chở khách du lịch trên sông; nhóm đối tượng liên quan đến các loại phương tiện thuỷ hoạt động dịch vụ, kinh doanh, vui chơi giải trí trong các khu du lịch, sinh thái... ở các địa bàn trọng điểm là thành phố Biên Hoà và các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch. Đồng thời, thông qua công tác xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát đường thủy cũng đã vận động 16.451 lượt người vi phạm viết cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền miệng, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai còn sử dụng hình thức tuyên truyền trực quan thông qua việc in ấn và phát hành trên 19.000 tài liệu các quy định của pháp luật về TTATGT, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, hậu quả tác hại của các tệ nạn xã hội; thông báo công khai những nội dung trong công tác tuần tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông, những nội dung trong công tác tiếp dân, những nội dung về quyền, nghĩa vụ của nhân dân trong tham gia giao thông đường thuỷ. Phòng Cảnh sát đường thủy đã chủ động phối hợp phục vụ cho các báo, đài trong và ngoài ngành xây dựng 66 lượt phóng sự, tin, bài với nội dung phản ánh tình trạng không đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thủy, phản ánh hoạt động của lực lượng Cảnh sát đường thủy vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát đường thuỷ cũng đã có sự phối hợp với Ban Giám hiệu các trường ven các tuyến giao thông đường thủy ở Thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành, huyện Vĩnh Cửu phổ biến cho giáo viên và các em học sinh kiến thức cơ bản về pháp luật giao thông đường thủy, cách phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em... Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, trung bình mỗi năm chỉ tổ chức từ 2 đến 3 lượt tuyên truyền.
Không chỉ tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai còn vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác quản lý TTATGT, đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy. Trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát đường thủy nhận được khoảng 30 tin báo có giá trị của quần chúng nhân dân. Thông qua các tin báo tố giác, điều tra làm rõ, bắt xử lý tổng cộng 63 trường hợp khai thác cát trái phép, 02 vụ trộm cắp tài sản trên sông, lập lại trật tự ở những địa bàn trọng điểm phức tạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: hoạt động tuyên truyền, vận động còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động còn chung chung, thiếu tính cụ thể cho từng địa bàn, từng đối tượng nhất định, chưa ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác này mà chủ yếu vẫn sử dụng các hình thức tuyên truyền miệng, hoặc in ấn và phát các tài liệu, tờ rơi cho người dân, trong khi các hình thức tuyên truyền khác như tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, Internet... chưa được chú trọng; và đáng chú ý là chưa huy động sức mạnh đông đảo quần chúng nhân dân tham gia quản lý TTATGT đường thủy. Do đó hiệu quả đem lại chưa cao, dẫn đến những hành vi vi phạm và những hậu quả nặng nề do tai nạn gây ra.
Qua khảo sát thực trạng, chúng tôi nhận thấy những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai còn chưa chú trọng đến mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT đường thủy. Do đó, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được tiến hành một cách rập khuôn, theo một “lối mòn” đã có sẵn, kế thừa từ các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên truyền đi trước mà chưa có sự đầu tư, nghiên cứu, đổi mới, đưa vào những hình thức khả thi hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ ba, cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT đường thủy còn ít, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Đội Hướng dẫn thực hiện pháp luật, đăng ký phương tiện, điều tra xử lý tai nạn giao thông đường thủy (Đội 2) trực thuộc phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai hiện nay chỉ có 07 đồng chí. Với số lượng cán bộ ít, nhưng lại thực hiện rất nhiều công tác khác nhau, vừa xử lý tai nạn theo sự phân công của Ban Giám đốc, đồng thời đăng ký quản lý phương tiện, xử lý vi phạm và tuyên truyền giáo dục pháp luật. Do đó, mỗi đồng chí phải thực hiện nhiều công tác nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
Thứ tư, chưa làm tốt công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Trong các báo cáo của phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai chưa đánh giá được những hạn chế, tồn tại cũng như đưa ra những nguyên nhân và hướng khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT.
Từ thực trạng và nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh, phát huy có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng, trong đó lực lượng Cảnh sát đường thủy giữ vai trò nòng cốt. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai cần tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương như: Bộ đội biên phòng, Cảng vụ, Sở giao thông vận tải, Sở văn hóa thể thao và du lịch, Đài phát thanh truyền hình, Tỉnh đoàn, Trường học… trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT đường thủy để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, vận động quần chúng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn.
Hai là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT. Nghiên cứu xây dựng các hình thức tuyên truyền mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn như: phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các diễn đàn tuyên truyền pháp luật, các hội thi, thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy, từ đó xây dựng mỗi thành viên câu lạc bộ là một báo cáo viên cùng tham gia với lực lượng Cảnh sát đường thủy trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật giao thông; phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình xây dựng bản tin an toàn giao thông đường thủy được phát sóng cố định hàng tuần trên truyền hình, đài truyền thanh, kịp thời phản ánh tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên tuyến đường thủy, gương “người tốt, việc tốt”, gương điển hình tiên tiến trong quần chúng nhân dân…; xây dựng trang thông tin điện tử của Phòng Cảnh sát đường thủy với các chuyên mục phản ánh tình hình TTATGT, trật tự an toàn xã hội trên đường thủy, chuyên mục phổ biến pháp luật, chuyên mục diễn đàn giải đáp những thắc mắc, tiếp nhận những tin báo của người dân về tình hình có liên quan… Đồng thời, ngoài cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Phòng Cảnh sát đường thủy cần tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc phát động và triển khai thực hiện sâu rộng trong quần chúng nhân dân các cuộc vận động khác như “Người đi đò mặc áo phao”, chương trình hành động phòng chống đuối nước trẻ em, “Vì an toàn trẻ em trên sông nước”…
Ba là, làm tốt công tác xây dựng lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát đường thủy làm công tác tuyên truyền vững vàng về pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ, được trang bị đầy đủ các kỹ năng về công tác tuyên truyền vận động quần chúng, năng động, nhiệt tình trong công tác. Đồng thời cần tăng cường thêm lực lượng làm công tác tuyên truyền. Số cán bộ, chiến sĩ tăng cường có thể được luân chuyển nội bộ trong Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh hoặc từ số sinh viên mới tốt nghiệp ra trường được phân công công tác tại phòng Cảnh sát đường thủy để đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai cần duy trì tốt mối quan hệ phối hợp với Khoa Cảnh sát đường thủy Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trung cấp Cảnh sát nhân dân trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, vận động quần chúng nói riêng cũng như các mặt công tác nghiệp vụ khác nói chung cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát đường thủy ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay.
Bốn là, cần chú trọng công tác tổng kết đánh giá, báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT đường thủy. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cần phải thường xuyên đánh giá tổng kết quá trình thực hiện trong thời gian định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Trong các cuộc họp của đơn vị, cần bàn bạc, trao đổi, phân tích, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, chân thành; qua đó nhằm kiểm điểm đánh giá một cách nghiêm túc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, tìm ra nguyên nhân của những thiếu sót trong quá trình thực hiện để kịp thời chấn chỉnh. Có như vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật và tham gia quản lý TTATGT đường thủy mới được nâng cao.
Tác giả bài viết: Bùi Khánh Vương - Nguyễn Võ Bảo Vinh
Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 89 (tháng 5/2017)