Trong lịch sử Việt Nam giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám đến trước năm 1985 chưa có bất cứ quy định chính thống nào về các BPTP, mà chỉ có quy định các biện pháp có tính chất tương tự. Trong lần pháp điển hóa Bộ luật Hình sự năm 1985, lần đầu tiên thuật ngữ “các BPTP” được sử dụng và dành hẳn một chương riêng quy định về các BPTP1. Bộ luật Hình sự 1985 đã quy định chính thức về việc trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, nhưng chỉ là thiệt hại về vật chất mà chưa quy định về việc phải bồi thường vật chất trong trường hợp gây thiệt hại về tinh thần.
Pháp điển hóa Bộ luật Hình sự lần thứ hai năm 1999 và sửa đổi bổ sung năm 2009, đã kế thừa hầu hết các quy định về các BPTP của Bộ luật Hình sự 1985. Ngoài ra, còn quy định thêm về trách nhiệm bồi thường về vật chất trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần2. Quy định này như một bước tiến mới thừa nhận rằng thiệt hại về tinh thần cũng là thiệt hại và có thể bồi thường được bằng vật chất.
Thực tiễn áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại hiện nay đang gặp phải những khó khăn nhất định, Điều 42 Bộ luật Hình sự chỉ quy định chung về việc phải trả lại tài sản, sửa chữa và bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra. BPTP này được xem như cầu nối giữa dân sự và hình sự trong một vụ án hình sự, tuy nhiên trên thực tế thì biện pháp này ít được áp dụng trong một vụ án hình sự có vấn đề liên quan đến dân sự như bồi thường thiệt hại. Hiện nay, nếu một vụ án hình sự có vấn đề dân sự thì đa số Tòa án xử lý theo hướng giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, có một số trường hợp thì tách việc giải quyết vấn đề dân sự ra độc lập khi không ảnh hưởng tới vụ án hình sự, việc tách này theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân nhân tối cao.
BPTP với tư cách nhằm hỗ trợ cho hình phạt, chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành vi vi phạm các quy định pháp luật chuyên ngành khác như hành chính, dân sự…thì không thể bị áp dụng. Còn vấn đề dân sự như trách nhiệm dân sự trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự (gọi chung là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự) thì áp dụng cho tất cả chủ thể có trách nhiệm trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự; trách nhiệm dân sự trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại bao hàm cả trách nhiệm do hành vi phạm tội gây ra hoặc không do hành vi phạm tội gây ra. Trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự có thể tách ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết độc lập trong những trường hợp nhất định, còn BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại thì gắn liền với vụ án hình sự. Có thể khẳng định rằng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại về tính chất thì nằm trong trách nhiệm dân sự trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại (vấn đề dân sự trong vụ án hình sự) và cũng là một phần nội dung của trách nhiệm dân sự chung trong vụ án hình sự. Khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự trên thực tế cũng là khó khăn của việc áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.
Những bất cập trong việc áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại xuất phát từ nội dung của quy định nhưng một phần là do những quy định của pháp luật dân sự hiện hành. Quy định tại Điều 42 BLHS có thể xem như nguyên tắc cơ bản, còn việc phải trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại như thế nào thì sử dụng nội dung của luật dân sự. Chính vì thế mà những bất cập của các quy định luật dân sự về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại sẽ dẫn đến bất cập trong việc áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong những vụ án hình sự có vấn đề dân sự.
Một là, bất cập về mặt lý luận.
Trước hết chúng ta nói đến chủ thể bị áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại chính là người phạm tội trong vụ án hình sự. Người phạm tội giới hạn trong độ tuổi nhất định là đủ 14 tuổi, nhưng so với độ tuổi tự mình chịu trách nhiệm bồi thường thiệt theo luật dân sự thì phải từ đủ 18 tuổi lên. Như vậy, khi áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại cho người phạm tội chưa đủ 18 tuổi thì có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 15 tuổi. Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự có thể hiểu rằng bất cứ người phạm tội nào nếu gây ra thiệt hại do hành vi phạm tội của mình thì Tòa án có thể quyết định việc bồi thường, nếu người phạm tội gây thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, ở độ tuổi này không áp dụng vì nếu áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại đối với người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 15 tuổi thì khả năng thực thi là gần như không có. Bên cạnh đó, Luật dân sự quy định trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ thể khác3.
Trường hợp người phạm tội từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi. Mặc dù quy định trách nhiệm chính thuộc về người gây thiệt hại, nhưng xét về mặt năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì họ chưa có, nên họ cần phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Do vậy, cha mẹ của người gây thiệt hại vẫn không thể loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của mình. Họ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại khi con của họ gây ra thiệt hại cho người khác mà không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường.
Trường hợp người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên thì phải bồi thường cho những thiệt hại mà mình gây ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ trong số những người từ đủ mười tám tuổi trở lên là những người mới trưởng thành, họ vẫn còn đi học, chưa có việc làm, chưa có thu nhập hay tài sản đáng kể, vẫn sống phụ thuộc vào cha, mẹ. Vậy, trong trường hợp những người từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng không có tài sản riêng gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Nếu họ vẫn là những người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì họ phải thực hiện trách nhiệm đó như thế nào? Nếu họ không thực hiện được thì phải chăng họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi và những người bị thiệt hại cũng không được bồi thường? Đây là một tình huống xảy ra khá phổ biến trong những vụ về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu Tòa án áp dụng một cách tuyệt đối và cứng nhắc những quy định của pháp luật thì sẽ phải hoãn việc thi hành án cho đến khi người gây thiệt hại là người mới trưởng thành có việc làm, có thu nhập. Tuy nhiên, việc làm này lại trái với nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, không đảm bảo khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục thiệt hại một cách nhanh nhất, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người bị thiệt hại trước khi bị xâm phạm.
Về điều kiện áp dụng đối với biện pháp trả lại tài sản: Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá được pháp luật quy định như tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009; các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán…) Theo các quy định này, thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Giấy đăng ký xe máy, mô tô, ô tô... không phải là giấy tờ có giá. Nó chỉ được coi là một vật thuộc sở hữu của người đứng tên trên vật đó. Do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết trả lại các loại giấy tờ này do người phạm tội chiếm đoạt thì Tòa án không thụ lý giải quyết, không thể nào áp dụng biện pháp trả lại tài sản được, vì các loại giấy tờ đó hiện nay không được thừa nhận là tài sản.
Đối với biện pháp sửa chữa tài sản, áp dụng với trường hợp người chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản yêu cầu người gây thiệt hại phải sửa chữa tài sản hư hỏng. Tuy nhiên, tài sản bị hư hỏng là loại vật đặc định không thể thay thế, thì Tòa án không thể buộc người phạm tội sửa chữa được mà phải buộc người phạm tội bồi thường giá trị tài sản hư hỏng và trả lại tài sản hư hỏng đó. Còn đối với biện pháp bồi thường thiệt hại, trong vấn đề bồi thường thiệt hại do uy tín, nhân phẩm, sức khỏe, danh dự bị xâm phạm, bên cạnh việc bồi thường về vật chất do có thiệt hại về vật chất, pháp luật còn quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần. Nhưng khi tài sản bị xâm phạm (có thiệt hại xảy ra) nếu có thiệt hại về tinh thần thì pháp luật không quy định việc bồi thường trong trường hợp này, theo tác giả như vậy chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Thiệt hại về tinh thần không hoàn toàn bị loại trừ khi tài sản bị xâm phạm. Bởi lẽ, có những tài sản có giá trị rất lớn về tinh thần đối với một chủ thể như kỷ vật của gia đình. Việc làm mất, hư hỏng tài sản hoàn toàn có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu, làm họ mất ăn, mất ngủ, đau buồn, cảm thấy có lỗi với gia đình… Đối với những thiệt hại về tinh thần thì không định giá được thành tiền mà xác định mức được bồi thường chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của thẩm phán và một phần biểu hiện của người bị thiệt hại trước thiệt hại đó. Bên cạnh đó, luật lại quy định mức bồi thường thiệt hại tối đa, đây cũng chính là điểm hạn chế trong bồi thường thiệt hại về tinh thần. Thường thì những quy định của pháp luật không theo kịp các bối cảnh của cuộc sống và với sự thay đổi của thực tiễn, cho nên mức bồi thường thiệt hại về tinh thần mà luật quy định mức bồi thường tối đa là không phù hợp so với một số tình huống xảy ra trên thực tế ngày nay.
Bất cập về việc áp dụng thời hạn: Đối với thiệt hại về vật chất. Căn cứ để xét khoản bồi thường về thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm là khoản thu nhập trước khi bị xâm phạm, nếu không có thu nhập thì sẽ không được xác định là có thiệt hại và không được bồi thường theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự. Nếu xử cứng nhắc theo quy định trên sẽ rất thiệt thòi cho người bị hại vì một người đầy đủ năng lực thì bất cứ lúc nào họ cũng có thể tham gia vào các quan hệ lao động để tạo ra thu nhập, hơn nữa mặc dù tại thời điểm này họ chưa có thu nhập nhưng vẫn cần một khoản tiền cho sinh hoạt để đảm bảo cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân, do đó sẽ là không công bằng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại nếu không xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường của người phạm tội cho người bị thiệt hại trong trường hợp họ chuẩn bị có thu nhập (mới bắt đầu làm việc nhưng chưa có thu nhập) và thực tế thì Tòa án coi đây là trường hợp chưa có thu nhập và không được tính để bồi thường.
Hai là, bất cập về thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho một số trường hợp nhất định. BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự hiện hành, mặc dù là một biện pháp cưỡng chế hình sự nhưng việc áp dụng biện pháp này trên thực tế lại tuân theo những quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Bộ luật Dân sự quy định. Việc này gây ra không ít khó khăn và hạn chế cho việc thi hành án có áp dụng BPTP tại Điều 42 Bộ luật Hình sự4.
Bên cạnh đó, việc chứng minh thiệt hại và xác định mức thiệt hại hiện nay luật chỉ quy định cách xác định thiệt hại là bao gồm tài sản bị mất, tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, chỉ lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ - HĐTP cũng không có quy định hướng dẫn cách xác định rõ là thế nào là tài bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là những lợi ích nào, thế nào được gọi là chi phí hợp lý để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại. Trong Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP chỉ hướng dẫn cụ thể về cách xác định thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Do đó đã gây khó khăn cho việc xác định thiệt hại.
Ngoài ra, do trình độ hiểu biết pháp luật của người bị thiệt hại trong một số trường hợp hạn chế nên quá trình tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc thu thập các loại giấy tờ cần chứng minh khi có thiệt hại xảy ra, họ không biết rõ thiệt hại nào được bồi thường, từ đó, dẫn đến lúng túng trong việc yêu cầu bồi thường những gì bị thiệt hại. Còn về phía người phạm tội khi bị áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại song song với hình phạt tù, thường chưa hiểu hết và chưa có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh khi áp dụng biện pháp này. Họ nghĩ rằng chỉ cần chấp hành hình phạt tù là đã trả giá xong cho hành vi phạm tội của mình; còn về phần trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại thì rất xem nhẹ và cho rằng đó là việc dân sự, từ đó dẫn đến khó khăn chung trong việc áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.
Từ những bất cập nêu trên, để hoàn thiện hơn quy định về BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, theo tác giả cần hoàn thiện quy định của pháp luật theo hướng sau đây:
Một là, trong thời gian tới, cần quy định chặt chẽ hơn nữa độ tuổi của chủ thể bị áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại. Với quy định của pháp luật hiện hành, để tránh sai sót thì khi áp dụng Tòa án cần chủ động, linh hoạt chú ý đến những vấn đề như phải xác định trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu của cha, mẹ bị cáo đối với thiệt hại; không được buộc cha, mẹ bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại, không được buộc người phạm tội liên đới cùng cha, mẹ bồi thường thiệt hại… Trường hợp người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không hoặc chưa có thu nhập mà gây ra thiệt hại, Toà án có thể chủ động giải thích, khuyến khích cha mẹ người thành niên đó tự nguyện bồi thường thiệt hại. Toà án có thể công nhận sự tự nguyện đó, nhưng về mặt pháp lý, không thể quyết định cha mẹ họ phải bồi thường.
Hai là, pháp luật nên quy định các loại giấy tờ như giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Giấy đăng ký xe máy, mô tô, ô tô….), cũng là giấy tờ có giá, xem nó như một loại tài sản và là một phần của tài sản chính. Quy định này góp phần làm cho việc áp dụng biện pháp trả lại tài sản đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Ba là, trường hợp tài sản bị hư hỏng là loại vật đặc định không thể thay thế mà người chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản yêu cầu người gây thiệt hại phải sửa chữa tài sản hư hỏng, thì Tòa án nên chủ động, linh hoạt hòa giải để người bị thiệt hại và người gây thiệt hại thỏa thuận, nếu họ không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định.
Bốn là, trong các vụ án hình sự, tài sản bị xâm phạm (có thiệt hại xảy ra) nếu có thiệt hại về tinh thần thì vấn đề dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do bị xâm phạm về tài sản có thể xảy ra. Thiết nghĩ trường hợp này cần được chấp nhận để bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cần được quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người bị thiệt hại nói chung và người bị thiệt hại trong vụ án hình sự nói riêng.
Năm là, căn cứ để xét khoản bồi thường về thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Hiện nay, Tòa án chỉ tính khoản thu nhập trước khi bị xâm phạm, nếu không có thu nhập sẽ không được xác định có thiệt hại và không được bồi thường, đây là quy định không có lợi cho người bị hại. Theo người viết, luật nên quy định thêm trong những trường hợp nhất định, thì những khoản thu nhập trong lương lai có thể tính là có thiệt hại nếu chứng minh được những khoản thu nhập đó sẽ có trong lương lai. Ngoài ra, để cho việc chứng minh thiệt hại và xác định mức thiệt hại được dễ dàng hơn thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Với những thiệt hại từ việc khai thác và sử dụng tài sản nên được xem xét dưới góc độ là những khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của chủ sở hữu hơn là những thiệt hại về tài sản như quy định hiện nay.
Sáu là, để pháp luật ngày càng hoàn thiện và việc áp dụng BPTP bồi thường thiệt hại đúng tính chất, ý nghĩa của nó là giải quyết triệt để vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, thì có thể bỏ các quy định về mức tối đa đối với trách nhiệm bồi thường do bị tổn thất tinh thần, quy định tối thiểu về bồi thường do bị tổn thất về tinh thần. Nên căn cứ vào thời điểm phát sinh thiệt hại, tình trạng thực tế trước kia của người bị thiệt hại và những dự đoán có cơ sở đối với người bị thiệt hại.
Bảy là, nên có một pháp lệnh riêng về thi hành án dân sự trong hình sự, hoặc bổ sung vào luật thi hành án dân sự một chế định riêng về vấn đề này bởi đối tượng phải thi hành án là các phạm nhân đang chấp hành hình phạt trong trại giam nên quá trình thi hành án dân sự đối với họ rất nhiêu khê và thường không có kết quả.
Tám là, khi giải quyết vụ án hình sự, ngay từ đầu các cơ quan tố tụng nên có sự quan tâm đúng mức về phần dân sự. Ngay cả quá trình điều tra cũng nên kê biên càng nhanh càng tốt để tránh việc tẩu tán tài sản. Tòa án nên chú trọng giải quyết phần dân sự cho đúng luật, chính xác, tránh tuyên án chung chung, phải giải thích nhiều lần hoặc hủy án để xử lại.
Tóm lại, khi áp dụng BPTP trả lại tài sản, sửa chửa hoặc bồi thường thiệt hại cần chú ý đến những vấn đề sau: Việc áp dụng biện pháp này để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải tuân theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự, nguyên tắc của Luật Tố tụng dân sự, Luật Dân sự để giải quyết; việc chứng minh thiệt hại, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Tác giả bài viết: Đinh Thị Duyên