Cán bộ điều tra là một chức danh pháp lí mới, là chủ thể tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và pháp luật về điều tra hình sự nhằm góp phần khám phá, điều tra làm rõ sự thật khách quan về vụ việc có dấu hiệu phạm tội và vụ án hình sự, đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng hành vi, đúng pháp luật.
1. Quá trình hình thành chức danh pháp lý cán bộ điều tra, phân cấp cán bộ điều tra trong tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định trong quá trình tiến hành tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án hình sự, đảm bảo tính chặt chẽ, dân chủ, minh bạch và thượng tôn công lý, bảo vệ quyền con người. Mỗi giai đoạn tố tụng có những nhiệm vụ riêng do những chủ thể tương ứng có quyền và nghĩa vụ thực hiện các trình tự, thủ tục, thời hạn nhằm đạt được hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của tố tụng hình sự.
Trước khi có BLTTHS năm 2015, cán bộ điều tra trong thực tế đã tồn tại là cán bộ, chiến sĩ của Cơ quan điều tra tham gia vào một số hoạt động điều tra vụ án hình sự mang tính chất “sự vụ” (ghi biên bản hỏi cung, lấy lời khai, thực hiện việc bắt, khám xét, giúp Điều tra viên lập hồ sơ vụ án…), nhưng chưa được quy định về quyền năng pháp lý trong tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Chương III Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; Điều 111 quy định về quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng không quy định về chủ thể có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan này. Trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định thẩm quyền điều tra của các cơ quan Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển thông qua lãnh đạo các cơ quan này, vì vậy gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện hoạt động điều tra ban đầu, nhất là khi thực hiện biện các pháp ngăn chặn.
Trong Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự, chức danh “cán bộ điều tra” lần đầu tiên xuất hiện tại Mục 1, Chương VI (các điều 29, 30, 31). Vì ở thời điểm này cán bộ điều tra có thẩm quyền trong tố tụng hình sự nên Thông tư số 28/2014/TT-BCA không có quy định riêng về cán bộ điều tra mà quy định chung với các chức danh pháp lý với tư cách là người tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên)1.
Khi xây dựng BLTTHS năm 2015, lần đầu tiên cán bộ điều tra được đưa vào quy định là một chức danh pháp lí mới với các lý do sau: Xuất phát từ thực tế điều tra vụ án hình sự, cán bộ điều tra của các Cơ quan điều tra đã trợ giúp cho Điều tra viên giải quyết các vụ án được nhanh chóng, thuận lợi; những bất cập khi thực hiện một số hoạt động điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, đòi hỏi pháp luật tố tụng hình sự phải quy định chặt chẽ, khoa học, phân công, phân cấp rõ ràng về các chủ thể tiến hành tố tụng; Bộ luật này bổ sung nhiều quy định mới trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự, trong đó có những hoạt động điều tra không phức tạp, không nhất thiết phải do Điều tra viên hoặc những người tiến hành tố tụng khác thực hiện thì có thể phân công cho cán bộ điều tra, nhưng trước đây chưa có quy định.
Mặt khác, việc quy định mới chức danh Cán bộ điều tra đảm bảo tương xứng, phù hợp với quy định về các chức danh pháp lí của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Kiểm tra viên (giúp Kiểm sát viên) trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và chức danh Thẩm tra viên (giúp Thẩm phán) trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 20142.
Chính vì vậy, trong BLTTHS năm 2015, cán bộ điều tra được quy định là một chức danh pháp lí của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tại khoản 2 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 với tư cách là người tiến hành tố tụng, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Từ những nội dung nêu trên chúng ta có thể hiểu Cán bộ điều tra là người của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra, hình sự, được bổ nhiệm chức danh pháp lý cán bộ điều tra theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, giúp Điều tra viên Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của tố tụng hình sự và pháp luật về điều tra hình sự.
Có thể phân chia cán bộ điều tra ở 2 hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng như sau:
- Thứ nhất, cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 4, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015). Theo phân cấp cụ thể ở từng ngành, từng lực lượng thì cán bộ điều tra có ở các cấp của các Cơ quan điều tra như sau:
+ Cơ quan điều tra của Công an nhân dân gồm có: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp tỉnh) và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp huyện)3.
+ Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực4.
+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương5.
- Thứ hai, cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân và các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 2015, và Điều 9 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015).
+ Cán bộ điều tra có ở các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng (có Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng); cơ quan Hải quan (có Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Hải quan cửa khẩu); cơ quan Kiểm lâm (có Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm); Cảnh sát biển (có Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn, Hải đội và Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển); cơ quan Kiểm ngư (gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng); Các cơ quan của Công an nhân dân (có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh; Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trại giam); các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân (có trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương)6.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và các quy định liên quan của cán bộ điều tra
Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an không quy định riêng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân mà quy định chung nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra. Theo Điều 29 thì “cán bộ điều tra phải thực hiện đúng, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật và của Bộ Công an có liên quan đến công tác điều tra hình sự”; phải học tập nâng cao trình độ chính trị, pháp luật... nghiệp vụ điều tra để hoàn thành nhiệm vụ, phải thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án; giúp việc cho Điều tra viên trong thực hiện các hoạt động điều tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi của mình. Thông tư còn quy định: Trách nhiệm giữ bí mật tin tức, tài liệu điều tra (Điều 30). Những việc cán bộ điều tra không được làm (Điều 31). Đây là những quy định ban đầu chưa cụ thể, chi tiết, vì thế còn bất cập trong quá trình thực hiện.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra là quy định mới của BLTTHS năm 2015. Trong Bộ luật này, cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong cả hai giai đoạn tố tụng: Giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra được qui định tại Điều 38 BLTTHS năm 2015, theo sự phân công của Điều tra viên: Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự; giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác. Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình7. Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra thực hiện hoạt động điều tra theo thời hạn điều tra được quy định tại Điều 172 của Bộ luật này. Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra là thực hiện những hoạt động không phức tạp, mang tính chất trợ giúp cho Điều tra viên trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
Theo quy định của BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra. Cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều ra do Thủ trưởng cơ quan phân công theo từng vụ, việc. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra ở các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng không giống nhau, có thể phân thành 2 nhóm như sau:
Nhóm 1: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển và Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đối với cán bộ điều tra của nhóm 1 có 4 nhiệm vụ, quyền hạn: Một là, lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; hai là, lập hồ sơ vụ án hình sự; ba là, hỏi cung bị can; lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại, đương sự; bốn là, tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án. Lưu ý: Cán bộ điều tra khi thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình; cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4, 5, Điều 39 BLTTHS năm 2015). Cán bộ điều tra nhóm này thực hiện một số hoạt động điều tra trong 2 loại thời hạn: 01 tháng (đối với tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng) và 7 ngày (đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp).
Đối với nhóm này, cán bộ điều tra được thực hiện một số hoạt động điều tra như hỏi cung, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường... tương tự như một số nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, vì vậy đòi hỏi họ phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức chuyên môn, khả năng làm việc chủ động, độc lập, quyết đoán để xử lý đảm bảo chính xác trong thời gian nhanh nhất, mà vẫn đạt chất lượng, hiệu quả.
Nhóm 2: Cán bộ điều tra các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hạn chế hơn so với nhóm 1, họ chỉ thực hiện các hoạt động về thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, một số hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền điều tra trong thời hạn 7 ngày.
Cán bộ điều tra nhóm 2 có 5 nhiệm vụ, quyền hạn: Một là, lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; hai là, lập hồ sơ vụ án hình sự; ba là, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự; bốn là, tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; năm là, giao, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của bộ luật này. Cán bộ điều tra các cơ quan này khi được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 3, 4, Điều 40 BLTTHS năm 2015).
Cán bộ điều tra là một chức danh pháp lí mới, vì vậy tiêu chuẩn bổ nhiệm, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cũng được quy định rất chặt chẽ trong Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Khoản a, Điều 59 quy định: “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 của Luật này có thể được bổ nhiệm làm cán bộ điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự”.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cán bộ điều tra thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; ở Viện KSND tối cao do Viện trưởng Viện KSND tối cao quy định (điểm b, khoản 1, Điều 59 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015).
Cán bộ điều tra là lực lượng đông đảo thực hiện hoạt động tố tụng trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự, là đội ngũ có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống tội phạm. Thực hiện tốt quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, cán bộ điều tra sẽ góp phần tích cực cho đấu tranh chống tội phạm.
---------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. BLTTHS năm 2003.
2. Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
3. Luật tổ chức Tòa án năm 2014.
4. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
5. Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự.
6. BLTTHS năm 2015.
7. Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Mai Nga